Đọc là một kĩ năng giúp trẻ em khám phá, tìm tòi cũng như cải thiện khả năng ngôn ngữ và từ vựng đồng thời mang lại cho trẻ lợi thế lớn trong học tập. Dưới đây là một vài ý tưởng để giúp việc đọc trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống thường ngày của gia đình bạn. Vậy nên, bạn có thể tự do điều chỉnh cho phù hợp với bản thân và gia đình mình.
1/ Sử Dụng Thư Viện Cách Hiệu Quả
Gia đình chúng tôi đã trải qua nhiều thời kì khác nhau trong việc sử dụng thư viện, bao gồm cả những lần tôi đưa các bé đi nhưng việc này không hiệu quả với tôi (vì các bé còn quá nhỏ). Suốt khoảng thời gian đó, tôi vẫn đến thư viện một mình để chọn sách cho con. Dần dần việc này trở thành một truyền thống đặc biệt, khi các bé luôn háo hức chờ mong những cuốn sách thú vị mà tôi mang về. Nếu không có thẻ thư viện thì bạn vẫn còn rất nhiều lựa chọn thay thế. Việc trao đổi sách với bạn bè thì sao? Hay những quyển sách điện tử mà bạn có thể tải về máy tính một cách dễ dàng từ những ứng dụng như Overdrive.com? Bạn cũng có thể liệt kê cuốn sách cần mua khi họ hàng hay bạn bè muốn mua quà cho bạn dịp nghỉ lễ. Các hội chợ sách cũng là nơi bạn có thể mua được những cuốn sách hay với giá cả phải chăng. Vậy nên, hãy tận dụng một cách tốt nhất những gì bạn có lúc này.
2/ Không Quá Cứng Nhắc Với Giờ Đọc Sách Trước Khi Ngủ
Thực sự mà nói, tôi hiếm khi thấy thoải mái khi đọc sách cho con trước giờ đi ngủ. Phải thú thực rằng, sau một ngày dài mệt mỏi, tôi không đủ kiên nhẫn để kể chuyện cho con. (Đã bao giờ bạn cố bỏ qua vài trang ở đây, ở kia để đọc luôn đến cuối sách cho nhanh? Có khi nào bé nhận ra rồi phàn nàn với bạn về điều đó?)
Giờ đi ngủ không phải thời điểm duy nhất để đọc sách cho bé. Tôi thích đọc vào buổi sáng vì đó là khi tôi có nhiều năng lượng nhất. Hoặc bạn cũng có thể thử vào giờ ăn nhẹ, khi các bé quây quần bên nhau quanh bàn ăn sau khi đi học về. Qua nhiều năm, cuối cùng tôi cũng tìm ra thời điểm thích hợp nhất để đọc sách cho con là trong bữa ăn: khi bọn trẻ phải ngồi nghe tôi đọc vì chúng không thể đi đâu được với cái miệng đang bận nhai của mình. Nếu bạn thử mà không thành công thì cũng đừng cho rằng việc đọc cho bé là không hiệu quả mà hãy sáng tạo hơn trong việc lựa chọn thời gian.
3/ Hãy Để Cả Gia Đình Cùng Tham Gia
Sau vài năm đọc truyện cho bé, tôi nhận ra rằng Steve – chồng tôi vắng mặt hầu hết các buổi vì anh ấy phải đi làm cả ngày. Vậy nên chúng tôi bắt đầu giờ đọc truyện với cả gia đình sau bữa tối, khi mọi người vẫn đang ngồi cùng nhau bên bàn ăn. (Cần lưu ý là chúng tôi chỉ thử điều này khi bọn trẻ đã 8 tuổi và có đủ sự tập trung để tham gia). Khoảng thời gian tốt nhất để đọc sách cùng nhau với gia đình chúng tôi là khá ngắn – không quá 10 hay 15 phút, kể cả khi tôi phải dừng lại ở giữa chương. Nên để mọi người háo hức chờ đợi hơn là khiến tất cả thở phào nhẹ nhõm khi bạn đọc xong. Với các gia đình có bé dưới 8 tuổi, việc đọc những mẩu truyện Kinh Thánh ngắn có thể sẽ có hiệu quả hơn vào bữa tối. Chúng tôi rất thích và cũng hay đọc cuốn “Jesus Storybook Bible” (Tạm dịch: Truyện Kinh Thánh về Chúa Giê-xu) cho bọn trẻ.
4/ Sử Dụng Sách Dạng Âm Thanh
Đối với những bậc phụ huynh hàng ngày phải đi làm xa hay khi giọng của Bố hoặc Mẹ không đủ to, rõ ràng để đọc cho trẻ thì sách dạng âm thanh là một sự lựa chọn tuyệt vời. Bạn có thể tải xuống vài cuốn sách để nghe khi đang gấp quần áo hay nấu bữa tối, hoặc bạn cũng có để tìm một danh sách cho bé chọn trong các giờ tĩnh lặng buổi chiều. Bạn có thể tham khảo các tựa sách mới ở audible.com, librivox.org hay tại chính thư viện gần nhà. Nếu bé nhà bạn mắc chứng khó đọc hay có thị lực yếu thì bạn có thể dùng trang LearningAlly.org. Chúng tôi nhận thấy đây là một phương pháp đọc rất hiệu quả.
5/ Chấp Nhận Sự Gián Đoạn Khi Có Thể
Có những lúc tôi thậm chí không thể đọc xong một đoạn ngắn mà không có bất kì sự gián đoạn nào; khi bé làm đổ ly nước và phải vội vã lau dọn, hoặc ai đó ngã khỏi ghế gây ra tiếng động lớn hay có hàng tá những câu hỏi về nội dung và từ vựng của cuốn sách tôi đang đọc. Tất cả những điều này có thể khiến các bậc phụ huynh phải xao lãng hay đầu hàng bé. Nhưng đừng bỏ cuộc! Việc các bé nhỏ tuổi không tập trung được là điều hết sức bình thường; nhưng khi các bé lớn hơn, sự gián đoạn này lại thể hiện sự trưởng thành của các con – một cái nhìn sâu sắc hơn về nội dung truyện, một sự so sánh với các nhân vật trong một cuốn sách khác hay một câu hỏi đầy triết lí cuộc sống. Vậy nên đừng bỏ qua những điều này, thậm chí nếu các bé khiến việc đọc truyện bị chậm đi. Thật vậy, vì những sự gián đoạn này là lời giải thích chính xác cho lí do tại sao chúng ta đọc: để học cách suy nghĩ, quan sát, đánh giá và có thêm nhiều ý tưởng mới. Hãy tìm một phương pháp thích hợp với bạn để giải quyết vấn đề này. Tôi dạy bọn trẻ nhà tôi phải giơ tay khi chúng muốn phát biểu điều gì hay có câu hỏi, và phải đợi đến khi tôi có thể dừng lại để lắng nghe. Cách này không tuyệt đối hoàn hảo nhưng cũng khá hiệu quả.
6/ Thay Phiên Nhau Đọc
Đừng nghĩ rằng bạn phải tự đọc hết tất cả. Khi trẻ có thể tự đọc, hãy để bé cùng tham gia. Mỗi người có thể đọc một câu Kinh Thánh, một đoạn thơ, một trang hay một chương truyện. Điều này không chỉ giúp mỗi người được luyện đọc trước người khác mà nó còn tăng thêm sự gắn kết gia đình, khiến mọi người cảm thấy “Đây là những điều chúng ta làm, là một phần của chúng ta”.
Tin bài: Hương Jenny
Lược dịch từ: IBelieve.com | hoithanhhanoi.com
Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin Faith | Hope | Love | www.quangharvest.com