Thứ ba, 18 Tháng 7 2017 14:18

Bí Mật Của Vua Solomon – 08. CHƯƠNG 4 “HÃY HỎI NGƯỜI KHÔN NGOAN”

Written by
Rate this item
(1 Vote)

CHƯƠNG 4

"HÃY HỎI NGƯỜI KHÔN NGOAN"

TÓM TẮT:

Hãy chọn bạn đồng hành thật cẩn thận.

Người không biết tham vấn người khác thì không thể được giúp đỡ.

- BENJAMIN FRANKLIN,

chính khách Mỹ

Đừng làm việc đó một mình. Chúa ban phúc lành cho người Mỹ. Chúng ta là một dân tộc chu đáo, có lòng trắc ẩn và có sức cuốn hút. Chúng ta ủng hộ lẽ phải. Chúng ta đấu tranh vì những người bị áp bức. Chúng ta đáp ứng nhu cầu ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng ta sẵn sàng cho đi tiền của và thời gian của chúng ta, và thậm chí cả máu của chúng ta nữa. Chúng ta lên tiếng chống lại sự bất công. Và một điều khác: Chúng ta thường phát biểu ý kiến về mọi thứ.

Khi nói đến thể thao, chúng ta thoải mái bảo ban các huấn luyện viên về cách thức quản lý cuộc đấu và điều hành các vận động viên của họ. Chúng ta cho các cầu thủ biết khi nào thì chúng ta cảm thấy họ làm việc chưa chăm chỉ. Khi họ chơi không đúng, chúng ta cũng cho họ biết. Sao họ lại có thể ngu ngốc như thế cơ chứ? Tại sao chúng ta chỉ ngồi trên khán đài hay xem truyền hình mà lại có thể nhìn thấy rõ chơi thế nào cho đúng, còn các cầu thủ thì không nhỉ?

Tương tự như vậy, những người lái xe taxi không ngần ngại chia sẻ ý kiến của họ với chúng ta về các chủ đề như: việc điều hành đất nước của chúng ta như thế nào, ai nên được bầu làm tổng thống ở nhiệm kỳ tới, làm thế nào để quản lý cuộc chiến tốt hơn, làm thế nào để chấm dứt nạn đói trên thế giới, và tại sao ban giám khảo lại chọn sai người phụ nữ kia là Hoa hậu nước Mỹ cơ chứ.

Nếu bạn muốn biết ý kiến về bất cứ điều gì, sẽ có một người nào đó rất muốn cung cấp cho bạn ý kiến của họ.

HÃY LẮNG NGHE, NHƯNG LẮNG NGHE NHỮNG NGƯỜI NÓI ĐÚNG

Một lần, khi đang ngồi ở một sân bay nào đó, chờ để bay đến một nơi nào đó, tôi đã có một chút rảnh rỗi trước khi lên chuyến bay sắp tới - chỉ đủ thời gian để thuê đánh bóng đôi giày của mình. Tôi hy vọng có thể ngồi trong im lặng và tận hưởng một hình mẫu của nghệ thuật đánh giày đã có từ lâu đời. Người đánh giày lịch sự hỏi tôi làm nghề gì. Khi tôi bảo rằng tôi là người quản lý đầu tư, vẻ mặt của ông ta biểu lộ sự háo hức muốn chia sẻ những suy nghĩ của ông ta với tôi về đầu tư quốc tế. Tôi đã nhận được lời khuyên từ nhiều người trên mỗi bước đường tôi đi trong cuộc đời. Nó luôn luôn thú vị, nhưng không phải luôn hữu ích. Tôi đánh cuộc là các bạn cũng đã có những trải nghiệm như thế.

Solomon nói, "Tất cả cách thức của một con người có vẻ đều đúng với anh ta" (Cách ngôn 21:2). Đó là điều chắc chắn. Mọi người đều có quyền nêu lên ý kiến của họ, nhưng chỉ có một niềm tin đã được hình thành thì không thể làm cho ý kiến đó trở thành sự thật. Tương tự như vậy, chỉ vì người ta tin rằng một lập trường là sai cũng không thể làm cho bất kỳ một chân lý nào bớt đúng đắn đi.

Câu hỏi ở đây là: Làm cách nào để chúng ta có thể phân biệt sự khôn ngoan nếu chỉ căn cứ vào các ý kiến? Có sự khác biệt không? Liệu chúng ta có nên coi một người đã thể hiện sự khôn ngoan đáng kể trong một lĩnh vực này của đời sống là một "chuyên gia" trong một lĩnh vực khác của đời sống hay không?

Khi nói đến việc quản lý đầu tư của chúng ta, điều này trở thành một thách thức quan trọng. Nhiều nguồn ý kiến về đầu tư thực sự "được đầu tư" vào việc đưa ra một ý kiến cụ thể. Bạn có thể hỏi: "Sao lại thế nhỉ?" Đó là một câu hỏi hay, và tôi hy vọng sẽ trả lời câu hỏi đó trong phần này.

Mấy năm trước, tôi đang ăn tối ở miền bắc New York với Andy Rooney, người dẫn chương trình truyền hình 60 phút của hãng CBS1. Đó là một buổi tối mùa thu tuyệt đẹp. Lá cây đang đổi màu, và một làn gió mạnh nhưng vẫn không gây khó chịu nhắc chúng tôi rằng mùa đông đang đến gần. Bàn ăn của chúng tôi đặt ở sân sau nhà của một người kinh doanh bất động sản nổi tiếng.

Ông Rooney và tôi đều là bạn của ông chủ nhà. Thực ra, tôi chỉ là một trợ lý kinh doanh, và Andy là hàng xóm của ông ta, nhưng vào buổi tối đặc biệt đó chúng tôi cảm thấy như là bạn bè.

Khi chúng tôi ăn tối dưới ánh nến và ánh trăng, Andy và tôi cảm thấy chúng tôi có một số điểm chung, trong đó có việc rất thích uống rượu vang đỏ. Lúc đầu, tôi là người nói khá nhiều, chủ yếu là trả lời các câu hỏi của Andy về tình hình tài chính của đất nước, và một nhà đầu tư nên làm thế nào để có thể kiếm được lợi nhuận trong tình hình đó. Khi chúng tôi nói chuyện, Andy tiếp tục nhấm nháp mấy quả nho.

Khi đến lượt Andy dẫn dắt cuộc trò chuyện, ông ấy đúng là người biết gây ảnh hưởng. Cùng với một số người khách khác, tôi cảm thấy mình cứ như đang tham gia chương trình 60 phút vậy. Như thể tôi đang nghe một đĩa hát thịnh hành nhất. Ông Rooney, hay Andy - chúng tôi thống nhất gọi nhau bằng tên sau khi uống đến chai rượu vang thứ hai - đang rất phấn khích. Những lời huênh hoang của ông ấy dần dần chuyển sang nói về ngành đầu tư.

Andy hỏi - và sau đó tự trả lời - theo cách mà chỉ Andy Rooney mới có thể làm được, "Những người môi giới chứng khoán làm gì? Hình như họ chẳng làm nên cái gì, hoặc cho dù họ có làm thì hình như họ cũng chẳng xây dựng nên được cái gì. Họ chỉ đơn thuần là cung cấp các ý kiến. Tôi cho rằng, họ được trả một số tiền bẩn thỉu bất kể họ đúng hay sai."

Với lời tuyên bố vẫn còn lơ lửng trong không khí, ông nhấp một ngụm rượu. Những người khác cười, nhưng ngay lập tức tôi biết rằng ông nói đúng. Tôi trả lời: "Tôi phải nói thêm là, những người môi giới chứng khoán ngày càng được trả nhiều tiền hoa hồng hơn để cung cấp thêm nhiều ý kiến nữa."

Andy nhìn tôi như nói, "Anh rất hiểu điều đó, phải không?" Tôi gật đầu. Lời nói huênh hoang của ông ấy không có ý đùa cợt, mà là một hiểu biết sâu sắc.

Điều quan trọng là các nhà đầu tư cần nhìn thấu động lực của người đưa ra lời khuyên và hỏi như sau: Ai là người đầu tiên thụ hưởng lời khuyên này? Lời khuyên này được đưa ra chỉ vì lợi ích của người được khuyên hay là có một động lực ẩn chứa đằng sau?

Ví dụ, hãy suy nghĩ một chút về bác sĩ của bạn. Bạn có thể tưởng tượng được, liệu người đó có đưa ra lời khuyên về sức khỏe dựa trên tiền hoa hồng mà người được khuyên trả cho không? Mỗi lần bác sĩ của bạn khuyến nghị một thủ tục, chắc bạn phải tự hỏi, thủ tục đó phục vụ cho lợi ích của người đó hay lợi ích của bạn? Chúng ta đang nói về khám bệnh ruột kết đấy.

Đây cũng là điều chúng ta đang thảo luận ở đây, chỉ thay thế sự lành mạnh về tài chính của bạn bằng sức khỏe của bạn mà thôi.

Bạn có đang nhận được lời khuyên tốt không? Người cố vấn của bạn đang suy nghĩ để phục vụ lợi ích tốt nhất của bạn hay phục vụ anh ta? Có khôn ngoan hay không nếu nhắm mắt làm theo lời khuyên đó mà không sáng suốt phân biệt chất lượng và động lực đằng sau ý kiến này?

Solomon đã nói với chúng ta, "Người đi với người khôn ngoan thì khôn ngoan lên, còn người đồng hành cùng kẻ ngu dại thì sẽ bị tổn hại." (Cách ngôn 13:20). Vì vậy, câu hỏi tiếp theo sẽ là: Bạn đi với người khôn ngoan hay với kẻ ngu dại?

Hãy xem xét điều này: Các tờ báo đang kinh doanh việc bán quảng cáo. Các chương trình truyền hình cũng đang làm việc đó. Các bản tin tài chính đang gạ gẫm mọi người đặt mua. Động cơ đều là như nhau: để kiếm tiền. Điều này, về bản chất không phải là xấu, và những nguồn thông tin này có thể hữu ích, nhưng bạn luôn phải xem xét nguồn gốc và động cơ của chúng.

Bản tin có thể được viết bởi những người thoải mái đưa ra lời khuyên nhưng chưa bao giờ nhận trách nhiệm quản lý tiền bạc của người khác. Đưa ra khuyến nghị là một chuyện, nhưng đưa ra một khuyến nghị và buộc phải chịu trách nhiệm về nó lại là chuyện khác. Người đưa ra lời khuyên nhưng không quản lý tiền bạc không có gì để bán ngoài việc bán bản tin của mình.

Mặt khác, một người bán bản tin và cũng bán dịch vụ quản lý tiền bạc có thể sử dụng bản tin như một phương tiện thu hút khách hàng mới cho công việc quản lý tiền bạc của mình. Bạn nên tin tưởng ai?

Câu trả lời nằm ở động cơ chứ không ở thông tin. Báo chí, truyền hình và các bản tin có thể cung cấp thông tin và kiến thức hữu ích, nhưng chính bạn phải phân biệt thông tin đúng đắn với chiến lược bán hàng khôn khéo.

Làm việc với một cố vấn tài chính là chuyện khác. Yếu tố đáng tin cậy được nhận thức dễ dàng hơn. Cần phải trả lời một câu hỏi để đánh giá những lời khuyên: Người cố vấn có kiếm

được tiền hoa hồng vì bạn đã thực hiện lời khuyên của anh ta không? Nếu câu trả lời là có, thì làm cách nào mà bạn biết được ai là người đích thực được thụ hưởng lời khuyên đó?

Bạn cảm thấy có một chút chán nản rồi phải không? Đừng chán nản. Ít nhất là chưa nên chán nản, bởi vì nó sẽ tồi tệ trước khi tốt hơn - nhưng nó sẽ tốt hơn. Chúng ta hãy tiếp tục với tin xấu trước, sau đó chúng ta sẽ xem xét một số câu trả lời.

Rất nhiều lần tôi đã được nghe câu nói: "Nếu tôi không thể tin vào những lời tư vấn về tài chính của người khác thì tôi sẽ tự mình làm điều đó, bởi vì chắc chắn là tôi có thể tin tưởng vào chính bản thân mình." Vì vậy, đây là tin xấu: Chúng ta sẽ phải học hỏi rất nhiều điều về việc tin tưởng vào chính bản thân mình.

NHỮNG THUẬT NGỮ KHÁC THƯỜNG VÀ NHỮNG Ý TƯỞNG ĐƠN GIẢN

Dưới đây là hai bài học rất quan trọng; bài thứ nhất học từ tôi, bài thứ hai học từ vua Solomon. Nếu bạn chỉ chọn học một bài thôi, thì hãy chọn bài học thứ hai. (Tôi không cho rằng lời khuyên của tôi ngang bằng với lời khuyên của vua Solomon.)

Bài học thứ nhất, "Nếu việc đó dễ dàng thì mọi người đều đang làm việc đó rồi." Bài học thứ hai, như Solomon đã nói: "Người mà tin vào bản thân mình là một kẻ ngốc, nhưng người mà bước đi trong sự khôn ngoan thì được an toàn." (Cách ngôn 28:26). Vậy, chúng ta phải làm gì bây giờ? Hãy tìm hiểu về bản thân.

Có một lĩnh vực nghiên cứu rất hấp dẫn được gọi là "tài chính hành vi". Đã có rất nhiều cuốn sách và bài báo viết về chủ đề này. Ý định của tôi ở đây chỉ là giới thiệu với bạn ý tưởng của nó. Hy vọng rằng, điều này sẽ khơi gợi sự quan tâm của bạn và giúp bạn tránh được những sai lầm phổ biến trong việc "tự mình" đầu tư.

Vậy, tài chính hành vi là gì? Albert Phung đã mô tả nó như thế này:

Theo lý thuyết tài chính thông thường, thế giới này và những con người của nó, ở hầu hết mọi nơi, đều có lý khi muốn "tối đa hóa sự giàu có." Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cảm xúc và tâm lý ảnh hưởng đến các quyết định của chúng ta, khiến chúng ta hành xử theo cách không thể đoán trước được hoặc không có lý trí. Tài chính hành vi là một lĩnh vực tương đối mới; nó tìm cách kết hợp lý thuyết hành vi và tâm lý học nhận thức với kinh tế học và tài chính thường thức để giải thích tại sao người ta lại đưa ra các quyết định tài chính phi lý trí (2).

Bây giờ thì điều đó đã có thể giúp bạn xây dựng sự tự tin trong việc quản lý các hợp đồng tài chính của bạn hay chưa? Chúng ta hãy chỉ nhìn vào một vài khía cạnh tài chính hành vi mà bạn thấy có thể hữu ích. Hãy nhớ rằng, có nhiều người đã viết về chủ đề này, và tôi nghĩ rằng họ có thể giúp bạn dù bạn tự mình đầu tư hay đầu tư với sự giúp đỡ của một người cố vấn. Vì vậy, xin bạn vui lòng tìm hiểu sâu nhé.

"Phản ứng cảm xúc bất đối xứng cần phải tương ứng với dự định lập danh mục đầu tư bất đối xứng." (Tôi cảm thấy mình thông minh chỉ sau khi viết ra lời tuyên bố này.) Nó đơn giản hơn nhiều so với vẻ bề ngoài phức tạp của nó, do đó, bạn hãy kiên trì cùng tôi nhé. Cảm xúc bạn nếm trải khi kiếm được 10% lợi nhuận từ các khoản đầu tư của bạn hoàn toàn khác so với phản ứng cảm xúc khi bạn bị mất 10%. Về mặt tài chính, hai con số là giống nhau, nhưng chúng ta phản ứng với chúng khác nhau.

Hãy thử nhớ lại lúc bạn biết rằng các khoản đầu tư của bạn đã tăng lên 10%. Bạn có thể hé một nụ cười, nghĩ rằng bạn là một thiên tài, và cảm thấy rất vui vẻ. Mặt khác, với hầu hết mọi người, khi biết giá trị đầu tư của mình giảm đi 10%, phản ứng thường xảy ra cùng với câu nói "Mình đã làm gì sai nhỉ?" Hoặc, "Khó mà bù lỗ đây." Hoặc, "Tôi sẽ sa thải người môi giới của tôi." Hoặc, "Vợ tôi chắc sẽ giết tôi mất." Sử dụng bất cứ ví dụ nào mà bạn thích, nhưng thực tế là những cảm xúc liên quan đến việc thu được khác rất nhiều so với các cảm xúc liên quan đến sự mất đi. Đó là những gì tôi muốn nói khi dùng từ "bất đối xứng." Hai cảm xúc này không giống nhau.

Tiếp tục kiểm tra ý tưởng này, bạn có thể áp dụng lý thuyết này vào bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống có liên quan đến các kết quả tích cực và tiêu cực. Ví dụ, sếp của bạn đi đến chỗ bạn để nói về mức lương của bạn. Một khả năng có thể xảy ra là bà ta tăng lương 10% cho bạn. Phản ứng của bạn có lẽ sẽ là, "Tuyệt quá, mình có thể sử dụng số tiền được tăng thêm đó rồi." Mặt khác, những gì sẽ xảy ra nếu bà sếp của bạn nói rằng bà ta buộc phải giảm lương của bạn đi 10%? Bạn thử nghĩ xem phản ứng của bạn sẽ ra sao? Bạn sẽ thất vọng ghê gớm? Bạn có bị sốc không? Hay bạn sẽ bắt đầu đi kiếm công việc khác?

Bạn đã hiểu ý tôi rồi chứ? Hai cảm xúc không giống nhau. Thế thì, bạn sẽ áp dụng ý tưởng này vào việc xác định danh mục đầu tư của bạn như thế nào? Áp dụng ý tưởng này cho những lời tư vấn về đầu tư như thế nào?

Trước hết và trên hết, bạn phải hiểu rõ các mục đích và mục tiêu cá nhân của bạn. Tất cả mọi người tôi đã gặp đều nói, "Tôi muốn tối đa hóa lợi nhuận và gặp ít rủi ro." Tôi không muốn làm bạn phải buồn, nhưng đây là câu nói phần nào đi ngược lại với mục đích. Điều quan trọng là phải xác định ưu tiên. Không phải là bạn không thể hy vọng đạt được cả hai mục tiêu, nhưng một mục tiêu phải được ưu tiên hơn mục tiêu kia.

Tôi sẽ chia sẻ với bạn một bí mật lớn. Cần phải xác định sự ưu tiên để bảo vệ tiền bạc của bạn. Để việc đạt được cả hai mục tiêu có hiệu quả, bạn phải đề phòng thua lỗ. Hãy nghĩ về nó theo cách này: Nếu bạn bắt đầu đầu tư với 100 đôla và mất 50%, bây giờ bạn chỉ còn có 50 đôla thôi. Cho đến nay, bài Toán vẫn khá đơn giản. Đến đây mới khó này, bạn cần thu được bao nhiêu phần trăm để bù đắp cho 50% bạn đã mất đi? Không phải 50% mà 100% của số tiền còn lại. Bạn cần phải tăng gấp đôi số tiền của bạn để bù vào một nửa số tiền mà bạn đã bị mất.

Hãy nghĩ về điều này khi lần sau nhận được tư vấn "miễn phí". Sự thật phũ phàng là việc kiếm được tiền sẽ vất vả hơn hai lần so với việc mất tiền. Làm thế nào để bắt tay vào việc đầu tư tiền bạc, hoặc thiết kế danh mục đầu tư cho phù hợp với những mục tiêu và cảm xúc bất đối xứng cùng với các khoản đầu tư thực tế? Tôi sử dụng một số khoản đầu tư thay thế, ví dụ, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư dài/ngắn hạn. Tôi khuyến nghị bạn nên tìm hiểu kỹ về các loại hình đầu tư này trước khi đưa chúng vào danh mục đầu tư của bạn.

Không có ai quá ngốc nghếch tới mức không đưa ra được một lời khuyên cho người khác, cũng không ai quá khôn ngoan để mà không dễ sai phạm lầm khi không nghe lời khuyên của ai trừ của chính mình. Người mà được dạy bởi chính anh ta là người thầy xuẩn ngốc.

- BEN JONSON, 

nhà viết kịch, nhà thơ người Anh

Dưới đây là một lý thuyết khác cần xem xét trước khi bạn đưa ra các quyết định đầu tư của mình. Nó được gọi là "đầu tư theo quán tính". Ý tưởng này khá dễ hiểu. Bạn có thể cười, nhưng đừng đánh giá thấp sức mạnh của nó nhé.

Đầu tư theo quán tính là niềm tin rằng, khi thị trường đang đi lên thì nó sẽ tiếp tục đi lên, và khi thị trường đang đi xuống thì nó sẽ tiếp tục đi xuống. Dưới đây là một số sự kiện và những câu chuyện giúp bạn hiểu được ý tưởng này.

Hãy nhớ lại năm 1999. Các thị trường chứng khoán đang đi lên điên đảo. Mỗi lần bật máy thu hình lên, bạn lại thấy câu chuyện kiểu như, một cậu nhóc chỉ mới 21 tuổi gì đó đã kiếm được hàng triệu đôla, có lẽ hàng trăm triệu cũng nên, khi công ty Internet của cậu ta lên sàn chứng khoán. Thêm vào đó, đã có quảng cáo trên các tờ báo, tạp chí, và các bản tin rêu rao rằng các quỹ đầu tư tương hỗ đang mang lại cho các nhà đầu tư của họ lợi nhuận cao đến hai con số. Không ai muốn bỏ lỡ sự giàu có đang đến với mình. Trong thực tế, ngay cả những "chuyên gia" tài chính đầy kinh nghiệm cũng đã nói rằng "luật chơi" đã thay đổi. Họ nói, không còn là quan trọng việc một công ty có sinh lãi và nhờ nó mà có thể để kiếm được bộn tiền, mà quan trọng là công ty đó tạo được chỗ đứng trong kỷ nguyên internet thì đó chỉ có thể là một công ty Internet mà thôi.

"Thị trường đang lên rất nhanh, vì vậy, hãy lên tàu và dạo chơi với mạng sống của bạn." Các báo chí về tài chính nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta không thể kiếm được tiền trong lúc thị trường như thế này thì chúng ta là những kẻ điên. "Lần này thì khác rồi."

Bạn đã thấy sức mạnh cảm xúc khi mà cách suy nghĩ kiểu quán tính tham gia vào quá trình ra quyết định đầu tư của bạn chưa? Thế còn thực tế này thì sao: Trong cơn điên khùng này, tiền đầu tư chảy vào các quỹ đầu tư tương hỗ dựa trên công nghệ nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử. Dòng tiền chảy vào các quỹ tương hỗ giúp chúng ta nhận diện những khoảnh khắc đáng lo ngại, khi các nhà đầu tư đâm sấp giập ngửa lao vào một ngành đặc biệt nào đó. Hãy nhìn vào bong bóng công nghệ cao thì thấy rõ. Trong 5 tháng, từ tháng 11 năm 1999 đến tháng 3 năm 2000, có 47 tỉ đôla được đầu từ vào các quỹ công nghệ. Đến cuối tháng 3, tài sản của các quỹ công nghệ đạt 163 tỉ đôla. Như thế, một phần ba số tài sản của các quỹ này đã được đầu tư trong vòng 6 tháng, hoặc ngắn hơn. Điều đó cho thấy, đám đông có thể mắc sai lầm thực sự tại các điểm uốn chính ra sao 3. 

Tôi có cần phải nhắc bạn lại những gì đã xảy ra sau hơn 30 tháng tiếp theo không nhỉ? NASDAQ4, chỉ số theo dõi các cổ phiếu công nghệ cao là chủ yếu, bắt đầu suy giảm khoảng 75%5. Khi tôi viết bài này vào giữa năm 2008, nó vẫn chưa hồi phục về giá trị như tháng 3 năm 2000. Người ta đã nghĩ rằng thị trường này đang lên không có điểm dừng. Trang bìa số tháng 3 năm 2000 của tạp chí Tiền bạc đã viết, "Hãy đầu tư vào thị trường nóng nhất chưa từng thấy." Câu này được nói một tuần trước khi thị trường này bị tụt dốc một cách tồi tệ nhất trong lịch sử.

Bạn có tin điều đó không?

Sau đây là một ví dụ khác về đầu tư theo quán tính, nó che đi mặt khác của đồng tiền. Không phải chỉ khi thị trường đang lên các nhà đầu tư mới đưa ra các quyết định tồi tệ và các vị cố vấn mới đưa ra những lời khuyên sai.

Vào tháng 10 năm 2002, thị trường đạt điểm rất thấp trong chu kỳ của nó. Chỉ số Dow6 đã giảm khoảng 32%, chỉ số S&P 5007 giảm khoảng 45%8, và thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu một xu hướng tăng lên mới. Đây là một trong những thời gian tốt nhất trong nhiều năm để mua lại cổ phiếu. Tuy nhiên, một nhà đầu tư trung bình và vị cố vấn đã làm gì? Họ đã mua trái phiếu vì họ tin rằng cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm (đầu tư theo quán tính cổ điển). Họ đã mất quá nhiều tiền nên họ không định đốt tiền một lần nữa. Các nhà đầu tư, theo lời khuyên của các cố vấn của họ, đã đổ tiền vào các quỹ trái phiếu nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Chu kỳ mua khi cổ phiếu đang lên và bán khi cổ phiếu (hoặc bất kỳ loại hình đầu tư nào) đang đi xuống này trái ngược với những gì các nhà đầu tư lớn đã làm. Cái việc mà các nhà đầu tư có kinh nghiệm đã làm được gọi là đầu tư ngược lại xu hướng thị trường. Những "phù thủy" này mua khi những người khác đang bán và bán khi người khác đang mua. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng điều này rất khó thực hiện đúng cách.

Hai lý thuyết nằm trong chủ đề của tài chính hành vi này hy vọng sẽ giúp bạn lọc được thông tin gây nhiễu trong các lời tư vấn đầu tư. Có rất nhiều nguyên tắc trong tài chính hành vi, bao gồm độ sai lệch khi nhìn nhận (tương tự như đầu tư theo quán tính), tâm lý bầy đàn, sự quá tự tin và phản ứng thái quá. Như tôi đã nói ở trước, lĩnh vực nghiên cứu này có tầm quan trọng rất lớn, cả với nhà đầu tư và người cố vấn. Tôi hy vọng bạn sẽ có đủ thời gian để học thêm nhiều điều về tài chính hành vi để biết nó sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào.

Hãy tìm kiếm lời khuyên của người lớn tuổi vì chính mắt họ đã nhìn thấy bộ mặt của những năm tháng, và chính tai họ đã dày dạn với tiếng nói của Cuộc sống. Thậm chí, nếu lời khuyên của họ có thể làm bạn phật lòng, vẫn nên để ý đến nó.

- KAHLIL GIBRAN,

nhà triết học, nhà thơ

Tôi ngờ rằng bạn đang tự hỏi mình: (1) Làm thế nào mình có thể tìm được lời khuyên đầu tư đáng tin cậy? (2) Nếu không thể tin cậy vào khả năng ra quyết định của mình thì mình phải đi đến đâu?

Trước khi chúng ta có được một số câu trả lời, đây là một dạng lời khuyên bạn nên thận trọng với nó. Dạng lời khuyên này thực ra không nói cụ thể về đầu tư, mà về bản chất, nó mang tính dự báo nhiều hơn. Ví dụ, một nhà kinh tế có thể cung cấp ý kiến về cách thức vận hành nền kinh tế trong những tháng hoặc năm tới. Một người khác có thể cung cấp ước tính về số việc làm sẽ được tạo ra hay mất đi, số nhà ở đang được xây dựng, chỉ số tiêu dùng hoặc nhu cầu tiêu dùng, doanh số bán hàng trong mùa Giáng sinh sắp tới - để bạn có thể hình dung được bức tranh lớn. Dạng tư vấn này có thể không đưa ra một khuyến nghị cụ thể nào về đầu tư nhưng chắc chắn có thể ảnh hưởng đến cách bạn đầu tư, hoặc thậm chí có thể dẫn dắt bạn hướng tới các loại hình đầu tư khác.

Khi nghe lời khuyên kiểu "bức tranh lớn" xuất phát từ các nhà kinh tế như thế, tôi nghĩ đến một câu gì đó mà tôi đã nghe được từ một chuyên gia tài chính nổi tiếng: "Khi tôi lớn lên, tôi luôn muốn trở thành một nhà kinh tế. Không bao giờ sai, chỉ cần sửa đổi lại thôi." Không có gì sai khi lắng nghe các nhà kinh tế và các chuyên gia tài chính đã được đào tạo đàng hoàng, nhưng ý kiến của họ - giống như tất cả các ý kiến - nên được cân nhắc cẩn thận. Các nhà kinh tế có thể sửa đổi một dự báo, nhưng các nhà đầu tư cá nhân thì không thể sửa đổi được các khoản đã đầu tư của mình - họ chỉ có thể đánh giá lại và tái đầu tư.

Những con số thống kê như thế thường được sửa đổi nhiều lần trong suốt một năm. Là nhà đầu tư, bạn đừng bao giờ quyết định đầu tư mà chỉ dựa vào lời khuyên kiểu này, chỉ nên sử dụng các số liệu thống kê như là một trong những nguồn thông tin bổ sung. Loại thông tin này nên được sử dụng nhiều hơn để hỗ trợ cho các quyết định đầu tư của bạn hoặc có thể giúp bạn xác định thời gian mua hay bán cho một giao dịch đầu tư.

BẠN NÊN GỌI CHO AI?

Vậy, bạn sẽ đến đâu để có được lời khuyên đầu tư?

Tôi đã không cố gắng lái bạn đi chệch khỏi những nguồn thông tin này, mà muốn giúp bạn biết được nhu cầu, hiểu được động cơ của các vị cố vấn của bạn, để bạn có thể phân biệt, một cách tốt nhất, lời khuyên hữu ích với lời khuyên được đưa ra chỉ để kiếm một khoản hoa hồng.

Một khi bạn học - và phải thực hành - để chiếc ăng-ten nội bộ của bạn được điều chỉnh đúng, để bắt được kênh "Họ đang bán cho mình cái gì đây", để bạn sẽ trở nên thành thạo khi phân biệt lời khuyên hữu ích với lời khuyên "Tôi muốn gây ảnh hưởng với bạn để tôi có được một khoản hoa hồng". Trong thế giới tư vấn đầu tư, tôi cảm nhận rất rõ là bất kỳ một người nào mà có thể tạo ra một khoản hoa hồng liên quan với lời khuyên đã được họ đưa ra, thì cần được xem xét với thái độ hoài nghi. Nền tảng tốt nhất cho mối quan hệ cố vấn - nhà đầu tư là thỏa thuận lệ phí cố định.

Hãy cho tôi một chút thời gian để nói về sự tương phản giữa tư vấn đầu tư thu phí cố định và quan hệ đối tác dựa trên tiền hoa hồng.

Giả dụ bạn tham gia một chương trình tiết kiệm hưu trí (IRA)9 trị giá 200.000 đôla. Có thể bạn đã làm việc 20-30 năm để tích lũy số tiền này. Số tiền này có quan trọng với bạn không? Đánh cược là có. Đây có thể là tất cả, hoặc một phần đáng kể, số tiền mà bạn dùng cho những ngày còn lại trong cuộc đời của bạn. Nếu bạn để mất khoản tiền này, cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng thậm tệ ra sao? Chúng ta đang nói về tương lai của bạn, và có thể là tương lai của người bạn đời của bạn nữa; và cũng có thể đó là món quà mà bạn muốn để lại cho con cái. Có nhiều khả năng, đây là số tiền quan trọng bậc nhất mà bạn từng phải quản lý.

Khi bạn tìm kiếm những lời khuyên về đầu tư, bạn sẽ phải trả tiền cho những lời khuyên đó. Cho đến nay, chưa xảy ra vấn đề gì. Nói chung là, bạn có thể trả tiền lệ phí theo hai cách. Cách thứ nhất, và cho đến nay vẫn là phổ biến nhất, là làm việc với một nhà môi giới dựa trên tiền hoa hồng. Người này có thể làm việc cho một công ty đầu tư lớn trên thị trường Phố Wall, hay một công ty nhỏ, hoặc thậm chí là một nhà môi giới độc lập. Nhà môi giới này thậm chí có thể nói với bạn rằng, anh ta có thể làm việc cho bạn theo hình thức trả tiền hoa hồng hoặc theo hình thức thu phí. Dù theo cách nào thì anh ta cũng nhận một khoản hoa hồng và do đó bạn không bao giờ biết được chắc chắn rằng, lời khuyên anh ta đưa ra là vì lợi ích tốt nhất của bạn hay của chính anh ta.

Nếu bạn chọn làm việc với một cố vấn chỉ thu phí, và tôi đang nói về một cố vấn không thể nhận một khoản hoa hồng một cách hợp pháp, thì bạn và người cố vấn sẽ thỏa thuận về một khoản phí hàng năm. Khoản phí này rất có thể sẽ là một tỷ lệ phần trăm của tổng số khoản đầu tư trong tài khoản của bạn.

Ví dụ, sử dụng 200.000 đôla ở trên, hai người các bạn nhất trí mức phí cho tư vấn đầu tư hàng năm là 1% thì tài khoản của bạn sẽ bị tính phí 500 đôla một quý, và nó lên đến 2.000 một năm. Khi thỏa thuận này được thực hiện, thì trong thời gian người cố vấn được thuê để quản lý số tiền của bạn, bạn có thể chắc chắn rằng tất cả các khoản đầu tư được khuyến nghị và nhân danh bạn đều được thực hiện, vì người cố vấn tin rằng họ đang phục vụ cho lợi ích tốt nhất của bạn. Người cố vấn này hoàn toàn không có động cơ mâu thuẫn để làm khác đi.

Bây giờ, nếu bạn nghĩ rằng số tiền 2.000 đôla có vẻ hơi cao, thì hãy so sánh nó với một quỹ tương hỗ điển hình mà bạn tham gia với một khoản phí trả trước là 5%. Nếu số tiền đầu tư của bạn là 40.000 đôla thôi, thì bạn phải trả lệ phí đến 2.000 đôla rồi.

Mặt khác, ngay cả khi người môi giới xếp bạn vào một quỹ tương hỗ với cổ phần loại B hay loại C, điều mà một cố vấn chỉ thu phí sẽ không bao giờ làm, và nói cho bạn biết không có lệ phí thu trước, người môi giới vẫn kiếm thêm được tiền, và số tiền đó đang thoát ra khỏi tài khoản của bạn. Bạn không thể nhìn thấy nó, nhưng lệ phí là ở đó.

Vì vậy, câu trả lời của tôi cho tình thế khó xử này, tìm kiếm lời khuyên tư vấn đầu tư ở đâu, sẽ là: Làm việc thông qua một cố vấn đầu tư chỉ thu phí. Hiện nay, việc một người nào đó là cố vấn chỉ thu phí thì không nhất thiết làm cho họ trở thành chuyên gia đầu tư. Bạn vẫn nên tìm một người nào đó có hồ sơ theo dõi lâu dài, người đó có nhiều khách hàng để bạn tham vấn. Nói chung, tôi đã thấy rằng các cố vấn chỉ thu phí có xu hướng trở thành các nhà chuyên nghiệp trong ngành đầu tư dài hạn, họ đã lập nên một hồ sơ thành tích đáng tin cậy hoặc họ sẽ không chọn cách này để được đền đáp.

VUI MT TÍ

Tiền bc có thể không mua được hạnh phúc, nhưng nó có thể làm cho một người trnên khốn cùng những nơi rất đẹp nào đó.

- KHUYẾT DANH 

Môi trường chỉ thu phí có xu hướng chuyển dịch phần lớn rủi ro mà bạn phải chịu, với tư cách là nhà đầu tư, và đặt rủi ro lên người cố vấn. Người cố vấn không có cách nào để kiếm sống từ thực tế hành nghề của mình trừ khi anh ta tạo ra lợi nhuận dương cả trong việc phục vụ khách hàng lẫn hiệu quả đầu tư.

Cuối cùng, về chủ đề này, người thầy vĩ đại của chúng ta là vua Solomon đã nói: "Người lờ đi nguyên tắc [chỉ dẫn] thì sẽ bị nghèo đói và hổ thẹn, còn người lưu ý đến sự đúng đắn [lời khuyên] thì sẽ được vinh danh" (Cách ngôn 13:18). Câu cách ngôn đó chứa đựng những lời khuyên rất có giá trị.

Hãy tự hỏi mình

1. Mình có lắng nghe ý kiến từ đúng đối tượng?

2. Những người đưa ra lời khuyên đó được lợi gì trong chuyện này?

3. Việc đầu tư này có mang lại lợi ích cho người cố vấn của mình nhiều hơn là mang lại lợi ích cho mình không?

4. Cái gì đang dẫn dắt các quyết định của mình? Ảnh hưởng? Nỗi sợ hãi? Lòng tham? Hy vọng? Sự khôn ngoan?

5. Người cố vấn của mình có đặt lợi ích tốt nhất của mình lên trên hết hay không?

Những việc cần làm một cách khôn ngoan

1. Hãy dành thời gian để tìm kiếm cho bạn một người môi giới thu phí cố định có uy tín.

2. Hãy tự dạy mình cách phân biệt giữa lời chào hàng và lời khuyên chắc chắn.

3. Hãy cởi mở để được tư vấn. Trên đời này vẫn có nhiều cố vấn tốt.

LỜI KHUYÊN CỦA NGƯỜI XƯA

CÁCH NGÔN 15:22 - Các kế hoạch sẽ thất bại khi thiếu những lời khuyên, nhưng nếu có nhiều nhà cố vấn thì sẽ thành công.

CÁCH NGÔN 21:2 - Tất cả cách thức của một con người đều có vẻ đúng với anh ta...

CÁCH NGÔN 16:16 - Một người chậm chạp trong mắt anh ta còn khôn ngoan hơn bảy người hay trả lời dè dặt.

CÁCH NGÔN 11:14 - Vì thiếu sự dẫn dắt nên một dân tộc thất bại, nhưng nếu có nhiều cố vấn chắc chắn nó sẽ chiến thắng.

CÁCH NGÔN 13:18 - Người nào lờ đi nguyên tắc [hướng dẫn] thì sẽ nghèo đói và phải xấu hổ, người nào lưu tâm đến sự hiệu chỉnh [lời khuyên] thì sẽ được vinh danh.

CÁCH NGÔN 13:20 - Người đi với người khôn ngoan sẽ khôn ngoan lên, còn người đồng hành với kẻ ngu dại thì sẽ bị tổn hại.

CÁCH NGÔN 28:16 - Người tin tưởng vào chính mình là một kẻ ngốc, còn người nào bước đi với sự khôn ngoan nên được an toàn.

V. MÓN QUÀ

Abidan chạy chầm chậm dọc theo con đường dẫn tới cung điện của vua Solomon. Bầu trời trong xanh không một gợn mây, và những làn gió ấm áp đang thổi qua Jerusalem. Hôm nay trời nóng ngay từ sớm, trước khi mặt trời lên đến đỉnh đầu. Mùa hè không còn xa nữa.

"Xin hãy bố thí. Xin hãy bố thí cho người nghèo." Một người đàn ông gày guộc mặc chiếc áo choàng bẩn thỉu ngồi ở ngã tư đường, bàn tay ông ta chìa ra, run rẩy như một chiếc lá khô trên cái cây đang chết. "Cậu ơi, hãy giúp đỡ người già. Hãy bố thí cho người nghèo đi."

Abidan chau mày và chạy vòng ra để tránh va chạm và tránh phải nhìn vào mắt ông ta.

Một niềm vui lan khắp người Abidan, giống như một làn nước ấm. Cậu đã được đến để tận hưởng thời gian ở bên cạnh nhà vua, và nhà vua hình như cũng thích có sự hiện diện của Abidan. Được nhà vua dạy dỗ là một vinh dự, địa vị của Abidan cũng vì thế mà được nâng cao trong mắt của bạn bè.

Cậu bước chậm lại vì nhìn thấy một người phụ nữ đang bế một đứa trẻ trên tay, và đang cố gắng nhặt bọc sợi lanh bị rơi. Không lạ lùng gì khi nhìn thấy những phụ nữ đội những gói ngũ cốc hoặc lanh rất cân trên đỉnh đầu khi họ đi bộ từ chợ về nhà. Những người khác cũng mang thực phẩm hàng ngày hoặc mang nước về nhà theo kiểu đó. Nhưng người phụ nữ này trông có vẻ mệt mỏi, như thế cuộc sống vừa giáng cho bà một tai họa khác. Bà chuyển đứa trẻ đang khóc sang cánh tay khác, quỳ gối xuống mặt đường cứng, và lấy hết sức để kéo những gì còn lại của cái bọc trước khi gió thổi nó tuột khỏi tầm tay của bà. Abidan chạy chậm lại và bước xung quanh bà. Có lẽ lần này cậu sẽ không thể đến trễ trong cuộc gặp nhà vua.

Abidan đã đến cổng và rất ngạc nhiên khi được một người hầu cận khác ra đón - một người còn trẻ, chỉ trạc tuổi cậu, và có nước da sẫm màu hơn một chút so với đôi mắt linh lợi của cậu ta. Một lúc sau, Abidan đã đứng một mình trong phòng chờ trước Đại Điện. Lúc đầu, thời gian trôi qua thật nhanh, sau đó thì trôi từ từ, như thể thời gian đang bị bắt phải ngừng lại.

Cậu tự thuyết phục mình rằng nhà vua đang bận một việc quan trọng, những công việc của nhà nước, các vấn đề liên quan đến Đền Thánh, hoặc một vụ việc bức xúc nào đó.

Abidan chờ đợi. Cậu ngắm nghía sàn nhà, các bức tường, trần nhà, lớp vôi vữa. Cậu cố nghe xem có tiếng nói nào không, nhưng tòa kiến trúc lớn này dường như không có sự sống.

Nhà vua nhầm ngày sao? Hay buổi học đã bị hủy bỏ? Một lúc sau, cậu trở nên hoang mang. "Mình đã làm điều gì xúc phạm đến nhà vua ư?" Cậu thì thầm trong căn phòng trống.

Ý thức về thời gian của cậu đã trở nên lẫn lộn. "Mình đã đứng một mình ở đây bao nhiêu phút, hay đã một giờ rồi?" Cậu không thể nói được. "Mình có nên ở lại không nhỉ?" Cậu có nên hỏi ai đó? "Liệu có nên về nhà không?"

Abidan đã quyết chờ đợi, thậm chí là đứng đây cho đến khi mặt trời lặn. Nếu không có gì xảy ra nữa, nó sẽ chứng minh rằng cậu đã thấy các buổi học này quý giá biết nhường nào.

Người hầu cận trẻ xuất hiện trở lại và ra hiệu cho Abidan đi theo anh ta. Abidan cảm thấy một luồng gió nhẹ nhõm thổi qua người cậu. Rốt cục thì mọi việc đều ổn cả.

Thay vì dẫn cậu vào sân, người hầu cận dẫn cậu tới Điện Chầu. Abidan đã bước vào phòng được ba bước, sau đó cậu dừng lại giữa chừng. Nhà vua đã ở đó, đang ngồi trên ngai vàng của mình và chằm chằm nhìn Abidan, vẻ nghiêm nghị. Gần ngai vàng, đứng bên trái của nhà vua là người ăn mày già và người phụ nữ đang bế đứa trẻ kia.

Người ăn mày bây giờ trông đã khác. Abidan trấn tĩnh để nhìn vào khuôn mặt của người đó, bỗng cậu thấy lạnh người. Người ăn mày chính là viên quan hầu cận thường ra đón Abidan mỗi lần cậu đến gặp nhà vua. Còn người phụ nữ thì cậu vẫn thấy lạ.

"Lại đây," Solomon nói. Abidan không nghe thấy một chút hài hước nào trong giọng nói của nhà vua.

Cậu cố hết sức để cử động, nhưng ba cặp mắt đang nhìn chằm chằm vào cậu như thể hiệp lực để bắt cậu lùi lại. Abidan thấy mừng vì đứa bé đang được ủ trong chăn nên không thể nhìn được cậu.

Abidan mới đi được một đoạn ngắn nhưng cậu cảm thấy như thể cậu đã phải đi một quãng đường rất dài. Đôi đầu gối cậu như rão ra, ruột gan như lộn cả lên, và hơi thở thì gấp và ngắn. "Rất... rất vui khi được gặp lại Đức Vua."

"Thế sao?" Giọng Solomon khô khốc như vỏ cây. Abidan không nói nên lời.

"Hãy nói cho ta biết, con đang ở đâu, Abidan. "

"Đức Vua vạn tuế, con đang đứng trước sự hiện diện của Người, trong Điện Chầu ạ."

"Lần trước con đã gặp ta ở đây, đúng không?"

"Dạ đúng, thưa Đức Vua." Đầu gối của Abidan như nhũn ra.

"Ta ở đây để làm gì, con trai của Zerah?"

Abidan nuốt nước bọt. "Đức Vua ngồi xử án và tư vấn cho những người tìm kiếm sự khôn ngoan ạ."

"Có đúng là tại đây ta đã phân xử những nỗi bất bình không?"

Abidan cúi đầu, không dám đối mặt với Solomon. "Vâng ạ, thưa Đức Vua."

"Hãy nói đi, Abidan, con có biết tại sao chúng ta lại gặp nhau ở đây, sáng hôm nay không?"

Abidan đã không muốn nói, nhưng cậu đã tìm được sức mạnh để buộc những lời nói thoát ra khỏi miệng mình. "Hai người này có khiếu nại đối với con ạ."

"Đúng thế." Solomon tựa lưng trở lại ngai vàng. Ông có vẻ mệt mỏi. "Con biết người hầu cận trung thành của ta. Người phụ nữ này là con gái của ông ấy; còn đứa trẻ là cháu ông ấy."

Abidan cố gắng nhắm mắt lại. Cậu đã bị thử thách nhưng không làm nổi. "Con thật đáng thất vọng, thưa Đức Vua. Con xin lỗi."

"Ta không xứng đáng được con xin lỗi."

"Con hiểu." Abidan ngẩng đầu lên, đứng thẳng người, rồi quay sang viên quan hầu cận và con gái ông ta. Cậu nói một lời xin lỗi. Hai người đều gật đầu.

Viên quan hầu quay sang Solomon. "Với sự cho phép của Người, thưa Đức Vua."

Solomon đứng dậy và bước đến chỗ người phụ nữ. Ông mở tấm chăn che mặt đứa bé ra và mỉm cười. "Trông nó thật đẹp trai. Nó sẽ khiến cho gia đình nó tự hào." Rồi nhà vua quay sang viên quan hầu của mình. "Các ngươi có thể đi được rồi. Các ngươi đã làm rất tốt."

Một lúc sau, Abidan chỉ còn lại một mình với Solomon. Cậu cảm thấy mình như một ngọn nến trong bếp lò.

Nụ cười của Solomon với người phụ nữ và đứa bé đã biến mất. Ông bước đến các bậc thềm dẫn đến ngai vàng của mình, nhưng không bước lên. Thay vào đó, ông ngồi xuống một bậc thềm đá. Ông vỗ nhẹ vào một chỗ ở bên cạnh. Abidan đến đó ngồi cùng với ông. Cậu chờ đợi những lời nghiêm khắc chắc chắn sẽ đến với cậu.

Solomon hít một hơi thật sâu, sau đó thở ra, và ông nói.

"Một người cho đi một cách thoải mái, có khi lại được lợi nhiều hơn; người khác giữ bo bo một cách quá đáng, nhưng sẽ nghèo đói. Một người hào phóng sẽ giàu có lên; người nào làm vui lòng những người khác thì chính anh ta cũng được vui lòng." [Cách ngôn 11:24-25]

Phải mất một lúc Abidan mới nhận ra rằng vua Solomon đã không trách mắng cậu. Nếu có bất cứ điều gì, thì giọng ông chỉ có vẻ hơi buồn thôi. Nhà vua lặp lại câu cách ngôn rồi nói, "Hãy cho ta biết ý nghĩa của nó, Abidan."

Vì đã quen với quy ước giữa hai người, Abidan nhắc lại câu cách ngôn, sau đó cố gắng diễn giải. "Nó có nghĩa là, con không nên nhắm mắt làm ngơ trước người nghèo."

"Và gì nữa?"

Abidan lẩm nhẩm nói. "Và, việc cho đi có thể giúp một người trở nên giàu có."

"Điều đó dường như đúng với con nhỉ?"

"Nó có vẻ xa lạ đối với con, thưa Đức Vua. Làm sao mà một người cho đi tiền bạc của mình lại có thể trở nên giàu có hơn được ạ?"

"Có sự giàu có của trái tim, Abidan ạ, sự giàu có của tâm hồn. Giúp đỡ người khác là một phần của quy luật này. Moses chẳng đã ghi lại những điều Chúa răn dạy phải giúp đỡ láng giềng và những người lạ sao?"

"Đúng là như vậy, thưa Đức Vua."

"Tích trữ tiền bạc không làm cho một người giàu có, mà nó làm cho người đó phải đau khổ. Con có biết sự khác biệt đó không?"

"Có ạ. Con tin như vậy. Nhưng thưa Đức Vua, con không có tiền ạ. Nhà con rất nghèo. Con không có gì để cho những người ăn mày - con muốn nói đến viên quan hầu cận của Người."

"Con không thể cho ông ấy một phút được kính trọng hay sao? Con không thể nói một lời với ông ấy, rằng con không có tiền, và cầu Chúa ban phước lành cho ông ấy hay sao?"

Abidan gật đầu. "Có thể ạ. Con đã có thể làm được điều đó. Thay vào đó, con đã đi con đường riêng của mình, để tránh né ông ấy."

"Và người phụ nữ với đứa trẻ nữa; cô ấy có cần tiền không?"

"Không ạ," Abidan nói. "Cô ấy chỉ cần sự giúp đỡ khi gặp chút rắc rối thôi ạ."

"Nhưng con đã không dành một vài phút để giúp cô ấy thu nhặt chỗ lanh và cái bọc của cô ấy."

"Con không muốn bị trễ hẹn, thưa Đức Vua."

Solomon chau mày. "Con không làm ta vinh dự từ việc làm sai trái, mà từ việc con đến đúng giờ. Ta đã muốn con đến muộn mà chính đáng còn hơn là đến đúng giờ mà ích kỷ."

Abidan lại cúi gằm xuống sàn nhà. "Thưa Đức Vua, có rất nhiều người nghèo. Con phải làm thế nào để có thể giúp được tất cả?"

"Đó là điều con không thể làm được, nhưng con có thể làm một điều gì đó cũng được mà. Con đã không đi ngang qua tất cả người nghèo ở Jerusalem này. Con chỉ đi ngang qua có hai người thôi. Abidan, hãy lắng nghe ta: Nếu con không thể cho đi một chút của con, con sẽ không bao giờ có thể tạo nên sự sung túc của mình đâu. Con có hiểu không?"

"Con nghĩ là con đã hiểu, thưa Đức Vua."

"Tạo nên sự giàu có là tốt và chính đáng, nhưng sẽ không như thế nếu con không sử dụng một cái gì đó mà con đang có để mang lại lợi ích cho người khác. Sẽ luôn luôn có người nghèo, nhưng sự thật đó không có nghĩa là người khôn ngoan không ngó ngàng gì đến họ. Hãy làm những gì con có thể làm, với những gì con có, rồi sự giàu có sẽ đến với con."

"Sự giàu có chỉ dành cho người hào phóng phải không ạ?"

"Đúng đấy, Abidan ạ. Con nói đúng."

"Con xin lỗi đã khiến Người thất vọng ạ, thưa Đức Vua."

Solomon mỉm cười. "Con có nghĩ rằng, không được công bằng lắm khi ta thử thách con thế không?"

Abidan lắc đầu. "Con không biết chắc đâu ạ."

"Cho ta hỏi con câu này nhé: Liệu con có quên bài học này không?"

"Không bao giờ, thưa Đức Vua. Con sẽ mang theo bài học này xuống tận nấm mồ ạ."

"Thế thì, sự hổ thẹn mà con cảm thấy hôm nay cũng đáng giá đấy."

Read 3368 times Last modified on Thứ ba, 07 Tháng 9 2021 19:23
Quang Harvest

Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương. [1 Cô-rinh-tô 13:13]

Comments powered by CComment

Chúng tôi đang phát hành nhiều Music Video nhạc mới trên

Liên Hệ

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin
Hy Vọng & Tình Yêu
www.quangharvest.com
Email: info@quangharvest.com

Nhận Bản Tin

Đăng ký để nhận thông tin cập nhật