Thứ ba, 27 Tháng 6 2017 14:06

Bí Mật Của Vua Solomon - 03. CHƯƠNG 1 “TRƯỚC HẾT HÃY SUY NGHĨ ĐÔ

Written by
Rate this item
(2 votes)

Bí Mật Của Vua Solomon – 7 Nguyên Tắc Thành Công Về Tài Chính Của Người Giàu Nhất Trong Lịch Sử Nhân Loại  - Bruce Fleet & Alton Gansky

CHƯƠNG 1

"TRƯỚC HẾT HÃY SUY NGHĨ ĐÃ"

TÓM TẮT:

Bước đầu tiên để đi đến thành công khởi đầu cùng với câu nói "Tôi đã có một kế hoạch."

Ở nơi không có tầm nhìn, con người sẽ không biết tự kiềm chế.

- VUA SOLOMON

(Cách ngôn 29:18; Bản tiếng Anh)

Nếu bạn định xây dựng một ngôi nhà, có thể bạn sẽ không bắt đầu bằng việc mua vật liệu xây dựng trước khi lập ra những kế hoạch. Tương tự như vậy, nếu bạn lái xe từ New York đến Denver, chắc rằng bạn sẽ thấy có một tấm bản đồ là hữu ích.

Thế thì, tại sao có rất nhiều nhà đầu tư khai thác các chương trình đầu tư mà có vẻ rất tốt đẹp trước khi họ có một kế hoạch chi tiết?

Là một cố vấn đầu tư chuyên nghiệp, tôi đã chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư tham gia các chương trình đầu tư không hề có ý nghĩa gì đối với danh mục đầu tư của họ. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ: Một nhà đầu tư đã nghỉ hưu cần những chương trình đầu tư có sản sinh thu nhập để bổ sung cho thu nhập an sinh xã hội hay lương hưu của mình. Có một người bạn mách cho bà ta về một chương trình đầu tư có mức tăng trưởng 2 con số trong vòng 10 năm qua, nhưng chưa thể tạo thu nhập; tuy vậy, tương lai của công ty này rất sáng sủa.

Lập kế hoạch là kéo tương lai lại gần hiện tại, để bạn có thể làm một việc gì đó ngay từ bây giờ.

- ALAN LAKEIN,

tác giả cuốn sách Làm thế nào để kiểm soát được thời gian và cuộc sống của bạn.

Không cần phải biết thêm thông tin gì về người phụ nữ đó, bạn cũng hiểu rằng, sự đầu tư này có thể tốt đối với một người nào khác nhưng không phù hợp với nhu cầu của bà ta. Tại sao vậy? Bởi vì, rõ ràng là nhà đầu tư này cần có thu nhập ngay để bổ sung cho thu nhập mà bà ta đang nhận được từ các nguồn khác.

Có nhiều nguy hiểm tàng chứa trong việc đầu tư của một người đang tìm kiếm các chương trình đầu tư trong khi người đó chưa có một kế hoạch đầu tư rõ ràng và chính xác nào. Tôi xin cam đoan với bạn rằng, các nguồn thông tin bạn có thể tiếp cận, ví dụ như tạp chí Money, kênh truyền hình CNBC1, bạn bè, đồng sự, các quảng cáo trên truyền hình và trên mặt báo luôn đưa ra đủ loại khả năng đầu tư. Chúng đều có vẻ rất tốt, nhưng chúng có phù hợp với bạn không? Có phù hợp với kế hoạch của bạn không? Có đáp ứng được nhu cầu của bạn hay không?

Bài học đầu tiên về sự khôn ngoan học được từ vua Solomon nhất quán với những gì tôi đã chứng kiến trong suốt quãng đời làm nghề đầu tư của tôi: Bạn phải - tôi muốn nhấn mạnh là nhất thiết phải - có một kế hoạch trước khi bắt tay vào hành động.

KẾ HOẠCH ĐỂ LẬP KẾ HOẠCH

Đa số các nhà đầu tư đều có nhiều mục tiêu, vì họ cần lập kế hoạch cho một số giai đoạn và một số sự kiện trong cuộc đời họ. Có thể bạn đang chuẩn bị cho việc học đại học của con mình, đồng thời cũng đang lập kế hoạch cho việc nghỉ hưu của chính bạn. Một người khác có thể đang tiết kiệm tiền để mua một ngôi nhà mơ ước, trong khi cũng đang đầu tư nhằm tích lũy tiền để thành lập một doanh nghiệp mới, hoặc viết một cuốn sách. (Như tôi thì đang thực hiện việc viết sách.)

Hiểu rõ từ "cái gì" trong kế hoạch của chúng ta là bước đầu tiên rất quan trọng. Bạn đầu tư để làm gì? Bạn đang cố gắng hoàn thành cái gì? Trong tâm trí bạn đang có mục tiêu gì? Thế nhưng "cái gì" chỉ mới là sự khởi đầu.

Giả sử, bạn đã nhận thức được rằng có những "cái gì" khác nhau trong cuộc sống của bạn. Nhưng cái gì cần được ưu tiên? Không đơn giản là lúc nào việc học đại học của con bạn cũng xảy ra trước khi bạn về hưu để bạn có thể bắt đầu từ đó. Không dễ dàng như vậy đâu. Bạn có thể bắt đầu tiết kiệm tiền và đầu tư cho cả hai mục đích cùng một lúc. Nhưng, với đa số chúng ta, luôn có một giới hạn về khoản tiền mà chúng ta có thể tiết kiệm được.

Điều đó có nghĩa là, cần phải ưu tiên một cái gì đó. Đây là ý kiến của cá nhân tôi: Tôi là người rất thích có một cuộc sống không nợ nần. Kiến thức chung cho chúng ta biết có ba loại sức ép lớn nhất trong cuộc sống, đó là sức ép về tài chính, sức ép về hôn nhân và sức ép về sức khỏe. Sức ép về tài chính nhiều khi dẫn đến sức ép về hôn nhân và rất có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Như vậy, nếu bạn cần xác lập sự ưu tiên, tôi sẽ khuyến nghị bạn như sau, coi như là một nguyên tắc chung. Hãy trả hết những khoản nợ không an toàn, bao gồm thẻ mua chịu, nợ tín dụng, vân vân... Đa số các khoản tín dụng kiểu này đều tính lãi suất RẤT CAO, thường đến 25% (Tôi đã thấy một số trường hợp còn cao hơn). Hãy trả hết các khoản đó, và quan trọng nhất là đừng sử dụng lại chúng nữa. Hãy trả nợ đúng kỳ hạn. Làm như vậy, bạn sẽ có một "lợi suất" được đảm bảo tương đương với số tiền lãi mà bạn đang phải trả. Gần như là bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một chương trình đầu tư nào có chất lượng hảo hạng và mang lại lợi suất tốt như thế.

CÁCH TỐT NHẤT LÀ TRẢ DẦN

Tiếp đó, hãy trả dần, hoặc trả hết, các khoản thế chấp của bạn. Không có cảm giác nào giống như cảm giác sống trong một ngôi nhà đã phải cầm cố. Tôi còn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên khi bước chân vào nhà mình sau khi đã viết séc để thanh toán khoản thế chấp cuối cùng. Ôi! Nó giống như bước vào ngôi nhà mới lần đầu tiên vậy. Tôi ngồi vào chiếc ghế đọc sách (tất nhiên chiếc ghế này không phải dành cho bất cứ ai trong nhà, trừ tôi và con mèo của tôi, mặc dù mấy con chó đã phá lệ những khi tôi vắng nhà) và hoan hỉ với ý nghĩ rằng ngôi nhà này đúng là nhà của tôi. Không ai có thể lấy đi của tôi. Một cảm giác thật tuyệt vời.

Tôi biết cảm giác này có thể không có gì là ghê gớm lắm, nhưng tôi không biết nhấn mạnh nó quan trọng và mang tính giải phóng như thế nào. Một số nhà cố vấn tài chính khác thường khuyên không nên trả hết các khoản thế chấp. Xét cho cùng, khoản thế chấp của bạn tạo ra một khoản khấu trừ thuế rất lớn, và bạn đang sử dụng tiền bạc của người khác. Nhưng còn có nhiều cái quan trọng hơn thế. Với việc trả hết các khoản thế chấp, bạn không chỉ thấy mình được tự do về tài chính mà còn hài lòng khi biết rằng chính bạn, chứ không phải ngân hàng, đang sở hữu ngôi nhà của bạn. Tôi hiểu cái hợp lý của việc thế chấp, nhưng tôi không thể kể hết cho bạn biết bao lần, với tư cách là một cố vấn đầu tư, tôi đã giúp đỡ một cặp vợ chồng trả hết các khoản thế chấp của họ. Và sau này, tôi đã nhận được thư, hay điện thoại gì đó, của người vợ cảm ơn tôi vì đã khuyến khích họ làm như thế. Nói chung là, phụ nữ thường quan tâm đến sự an toàn về tài chính hơn là sự mở rộng một danh mục đầu tư. Tôi biết đó là nói khái quát, nhưng kinh nghiệm bản thân cho thấy điều đó là đúng. Xin hãy tin tôi, cuộc sống không nợ nần sẽ giải phóng trí óc và tâm hồn của bạn.

HÃY TIẾT KIỆM

Cuối cùng là, hãy tiết kiệm tối đa để chuẩn bị về hưu. Hãy mở rộng tối đa kế hoạch nghỉ hưu được công ty bảo trợ của bạn. Nếu công ty bạn đầu tư tiền cho kế hoạch này, hãy coi nó như một món quà - chứ đừng coi đó là sự thay thế cho phần đóng góp cá nhân của bạn. Tôi sẽ nhắc lại một lần nữa vì điều này rất quan trọng: Hãy mở rộng tối đa kế hoạch nghỉ hưu của bạn. Tham gia tiết kiệm hưu trí trước thuế là một trong những cách hiệu quả nhất để có thể tiết kiệm và đầu tư.

Tôi phải nhấn mạnh như vậy để nói với bạn rằng, thật thiếu khôn ngoan khi khởi sự một chương trình đầu tư bổ sung cho đến khi bạn đạt được số tiền tiết kiệm hưu trí tối đa mà pháp luật cho phép. Việc gửi tiết kiệm trên cơ sở trước thuế (tiền khấu trừ từ các khoản chi trả trước thuế của bạn) và việc cho phép tăng số tiền gửi tiết kiệm trên cơ sở hoãn thuế thực sự rất hiệu quả.

Hãy biến sự lo lắng trước của chúng ta thành sự suy nghĩ và lập kế hoạch trước.

- WINSTON CHURCHILL,

tác gia, người đã hai lần làm Thủ tướng nước Anh.

Bạn có thể nhận thấy rằng tôi vẫn chưa nói đến việc bạn tiết kiệm cho con học đại học. Tôi biết việc giúp các cháu Judy và Johnny học hết đại học là một phần quan trọng của chiến lược tổng thể trong cuộc sống của bạn, nhưng tôi muốn bạn cân nhắc hai điểm sau đây. Thứ nhất, nếu bạn tập trung khoản tiết kiệm và những nỗ lực đầu tư của bạn vào việc học đại học của con bạn chứ không hướng vào tiết kiệm hưu trí thì, đến một lúc nào đó, Judy và Johnny có thể sẽ phải hỗ trợ bạn. Như thế sẽ không tốt.

Thứ hai, và thực tế hơn, các chính phủ bang và liên bang đều hỗ trợ con bạn tiếp cận các khoản tài trợ, học bổng và các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp để chúng có thể học hết đại học. Tôi chỉ muốn nói rằng, hiện không có một lời biện hộ nào cho việc một người Mỹ không thể đi học đại học. Nếu bạn đang chăm lo đến những nhu cầu tài chính khác một cách có trách nhiệm, và có khoản thu nhập khả dụng (sau thuế) thì đương nhiên bạn đã có khoản tiết kiệm cho việc học đại học của con bạn.

Như Thánh Paul đã nói, "Nếu người nào không chu cấp cho người thân của mình, và đặc biệt là cho gia đình trực tiếp của mình, thì người đó đã chối bỏ đức tin, và còn tồi tệ hơn một kẻ không có đức tin." (1 Timothy 5:8) 2.

Những lời này có vẻ như hơi nghiệt ngã. Bạn cũng có thể cho rằng những suy nghĩ của tôi về tiết kiệm để học đại học không ăn nhập gì với Kinh Thánh. Tôi sẽ không đồng tình và nói thêm rằng, đôi khi việc đặt trách nhiệm tài chính lên một đứa trẻ trưởng thành cũng là chu cấp cho gia đình. Tôi rất yêu quý những người chu cấp cho việc học đại học của con em họ, nhưng tôi cũng biết rằng không phải ai cũng có thể làm như thế.

Chúng ta hãy chuyển sang đề tài khác nhé...

KỲ HẠN TÀI CHÍNH

Sau khi tạo ra một danh sách chắc chắn và thực tế gồm những thứ mà bạn đang tiết kiệm và đầu tư cho chúng, bạn nên thiết lập một khung thời gian cho từng mục tiêu. Ví dụ, nếu hiện nay bạn 35 tuổi và muốn nghỉ hưu ở tuổi 60, thì khung thời gian của bạn sẽ là 25 năm. Hai mươi lăm năm là một khoảng thời gian dài. Rốt cục, nó bằng một phần tư thế kỷ, có đúng không? Đừng để bị lừa. Có vẻ như bạn có nhiều thời gian và bạn có thể lần lữa một chút. Vấn đề cần cân nhắc đó là cần phải tích lũy một khoản tiền rất lớn để hoàn thành một nhiệm vụ.

Tạm giả sử là bạn cần 65.000 đôla mỗi năm lấy từ số tiền tiết kiệm hưu trí của bạn để thay thế cho thu nhập hiện tại của mình. Cũng giả định rằng, thu nhập hiện nay của bạn là 80.000 đôla một năm và bạn trông đợi sẽ nhận được 15.000 đôla từ chương trình an sinh xã hội hoặc một hưu trí khác. Bạn sẽ cần tích lũy 928.571 đôla tiền gốc và cần tạo ra tỷ suất lợi tức là 7% để nhận được 65.000 đôla mà bạn cần. Như vậy, nếu nghĩ theo cách này thì 25 năm không phải là một thời gian dài.

Hãy đưa ra bài toán theo kiểu này cho mỗi mục tiêu của bạn. Hãy chắc chắn rằng mỗi mục tiêu đều thực tế và có thể đạt được. Nếu thấy một mục tiêu nào đó hoàn toàn không thực tế thì bạn hãy suy xét lại về chiến lược của bạn. Vấn đề ở đây là phải có một tầm nhìn. Hãy dựng nên một lộ trình tài chính nếu bạn có thể làm được. Phải thật cụ thể.

Chúng ta đã nói đến vấn đề này hơi nhiều, trong khi chưa nói về các đặc điểm của việc đầu tư. Chúng ta sẽ nói về vấn đề này sau nhé. Tôi muốn bạn nhận thức được rằng, những lời dạy của vua Solomon có sức mạnh biết bao, và chúng có mối quan hệ với thời đại ngày nay rõ ràng đến nhường nào. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, và đã chứng kiến cả sự thành công lẫn thất bại của rất nhiều nhà đầu tư, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng nếu không có một kế hoạch rõ ràng và khúc chiết, bạn sẽ thất bại. Nhưng nếu có một kế hoạch tốt, bạn sẽ thành công.

Kế hoạch đầu tư của bạn rất quan trọng nên tôi cố tình đặt nó lên trước trong cuốn sách này. Tôi nghĩ rằng vua Solomon chắc sẽ nhất trí với tôi.

Đừng đặt ra những kế hoạch nhỏ, chúng không đủ sức kích thích con người và có lẽ vì thế chúng khó có thể được con người thực hiện. Hãy đề ra những kế hoạch lớn, có mục đích cao cả để người ta hy vọng và làm việc, và nhớ rằng một kế hoạch cao cả và có lí từng được ghi chép lại sẽ không bao giờ chết.

- [Được cho là của] DANIEL H. BURNHAM,

kiến trúc sư kiêm nhà quy hoạch đô thị.

Những bạn đọc trẻ tuổi có thể nghĩ, "Mình chỉ sống đủ ăn qua ngày, nên không thể tiết kiệm từ bây giờ, nhưng mình sẽ tiết kiệm khi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn." Hãy tin tôi, người đã có mặt trong mọi khúc đoạn của cái bảng lương. Thời gian để bắt đầu tiết kiệm là bây giờ... hoặc sớm hơn nữa.

Tôi có thể hứa với bạn rằng khi bạn bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ có một ngôi nhà lớn hơn, một chiếc xe hơi đắt tiền hơn, hoặc một lối sống xa hoa hơn. Đó là một cái vòng luẩn quẩn. Chúng ta sẽ nói thêm về điều này sau, nhưng bạn cần hiểu rằng: cần phải tiết kiệm ngay từ bây giờ.

Khi mới đi làm, tôi vừa mới lập gia đình và có thu nhập chỉ đủ để sống qua ngày. Một ngày nọ, cô vợ đáng yêu của tôi nói rằng cô ấy cần tiền để đến cửa hàng tạp hóa mua những thứ thiết yếu như sữa, trứng, vân vân. Tôi nói với cô ấy rằng phải đợi đến thứ Sáu tôi mới được lĩnh lương. Nhưng không được. Cô ấy nói với tôi, cái giọng chắc nịch, "Tại sao anh lại gửi tiết kiệm hưu trí nhiều và sớm như vậy trong khi chúng ta đang rất cần tiền nhỉ?"

Rất dễ dàng, nếu từ bỏ kế hoạch tiết kiệm của tôi thì chúng tôi sẽ có số tiền mang về nhà nhiều hơn. Song chúng tôi đã sống qua được thời gian đó. Tôi có thể cam đoan với bạn là nhiều năm sau, vợ tôi rất vui khi thấy tôi đã hăng hái gửi tiết kiệm từ sớm như vậy. Đến những lúc khó khăn sau đó (khi tôi quyết định chọn nghề viết sách), chúng tôi đã có nhiều tiền tiết kiệm để vượt qua những khó khăn.

Tóm lại là, hãy tiết kiệm ngay từ bây giờ, dù chỉ là một chút thôi. Có một điều thuận lợi là bạn còn có thời gian, do đó, hãy tận dụng lợi thế đó. Albert Einstein đã từng nói rằng lãi gộp là "kỳ quan thứ tám của thế giới."

Những bạn đọc lớn tuổi thì có thể cảm thấy nản lòng vì quá nhiều thời gian đã trôi qua và họ đang "ở trong tình thế bất lợi." Vâng, điều đó đúng một phần; thế nhưng, vẫn không có lý do gì để không bắt đầu. Có những quy định cấp liên bang về tiết kiệm hưu trí cho phép bạn tiết kiệm được nhiều hơn. Chúng được coi là quy định điều khoản "bù đắp".

Làm giàu là một đồng xu có hai mặt: Tiết kiệm và đầu tư. Lúc đầu, chúng ta nói về tiết kiệm bởi vì nó là mặt thực sự quan trọng hơn. Hãy nghĩ về nó theo cách này: Nếu bạn không tiết kiệm, bạn sẽ không có gì để mà đầu tư.

Tiết kiệm và lập kế hoạch sẽ giúp bạn tiến lên hàng đầu và tạo cho bạn những cơ hội thành công cao hơn. Chúng ta đã nghe nói về những người đã từng gắn bó với một công việc suốt hơn 30 năm - họ chưa bao giờ kiếm được một mức lương cao - chỉ đến lúc về hưu mới thấy họ có một khoản tiết kiệm lên đến hàng chục triệu đô la. Họ là những người tiết kiệm giỏi và chắc chắn.

Gửi tiết kiệm phần nào cũng giống như ăn kiêng. Chúng ta hãy cùng nói về chuyện này.

Chẳng ai thích ăn kiêng cả. Một số người, như tôi chẳng hạn, luôn phải ăn kiêng chỉ để duy trì cân nặng ổn định. Trong mã di truyền, tôi có cái mà những người ăn kiêng thích gọi là "gien béo". (Nếu chúng ta đang ở trong nhà thờ, chắc chắn tôi sẽ phải sám hối về chuyện này.) Hãy thử nghĩ về nó. Bạn phải từ bỏ những thứ mà bạn thích thật sự. Đôi khi, vào ban đêm chẳng hạn, thật là khó chịu. Chúng ta đã đánh đổi sự hài lòng trước mắt bằng một mục tiêu tương lai.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nói ra sự thật và ngừng than vãn về chuyện đó, việc nắm quyền kiểm soát sẽ giúp chúng ta cảm thấy tự tin hơn. Khi chúng ta thấy số cân nặng giảm đi, chúng ta tự ăn mừng chiến thắng. Và khi chúng ta đã đạt được số cân nặng theo đúng mục tiêu đã đặt ra, nhìn thoáng qua thân hình của mình trong gương, chúng ta nói, "Ăn kiêng cũng đáng!"

Chẳng phải ăn kiêng cũng giống như gửi tiết kiệm sao? Tôi muốn bạn bắt đầu nghĩ về nó theo cách đó. Hãy tự tin, nắm quyền kiểm soát, ăn mừng những thành công nhỏ, và làm việc để hướng tới một mục tiêu. Tôi có thể đảm bảo với bạn, cuối cùng bạn cũng sẽ nói, "Việc gửi tiết kiệm thật đáng làm."

VUI MỘT TÍ

Tiền bạc giải phóng bạn khỏi những gì mà bạn không thích. Bởi vì tôi không thích- làm hầu như mọi việc nên tiền bạc rất có ích.

- GROUCHO MARX, hoạt náo viên

Hãy tự hỏi mình

1. Trong cuộc sống, điều mình thực sự muốn có là gì? Hãy dành thời gian để suy nghĩ thật nghiêm túc về câu hỏi này.

2. Những ưu tiên trong cuộc sống của mình là gì? Ưu tiên nào là quan trọng nhất đối với mình?

3. Tình hình tài chính hiện nay của mình có phù hợp với những ưu tiên này không, phù hợp đến mức độ nào? Hãy trung thực với chính mình, ngay cả khi sự thật làm cho bạn đau lòng.

4. Những gì cần phải thay đổi? Hãy nói cụ thể về chúng.

5. Mình cần đi những bước đầu tiên nào trên cuộc hành trình mới này?

Những việc cần làm một cách khôn ngoan

1. Hãy liệt kê ra những mục tiêu cụ thể (những "cái gì"). Dành thời gian để viết chúng ra, để bạn có thể thường xuyên xem lại chúng.

2. Hãy hình dung cuộc sống của bạn như thể những mục tiêu đó đã được hoàn thành.

3. Khi bạn đã cảm thấy thoải mái với những mục tiêu đó, hãy lập một thời gian biểu cho từng mục tiêu. Điều chỉnh lại thời gian biểu này khi cần thiết. Hãy nhớ rằng, cuộc sống luôn biến động.

4. Hãy chọn ra một món nợ để trả hết. Khi đã trả xong món nợ này, hãy lấy số tiền bằng số tiền bạn đã trả đó thêm vào chi trả cho một khoản khác. Khi trả xong khoản này, thực hiện các khoản thanh toán kết hợp và thêm nó vào để thanh toán cho một khoản nợ khác nữa mà bạn đang phải trả.

5. Hãy tìm cách để tiết kiệm. Những khoản tiền nhỏ sẽ tăng lên nhanh chóng.

6. Rà soát lại các mục tiêu, ít nhất mỗi tuần một lần.

LỜI KHUYÊN CỦA NGƯỜI XƯA

TIMOTHY 05:08 - Nếu người nào không chu cấp cho người thân của mình, đặc biệt là cho gia đình trực tiếp của mình, thì người đó đã chối bỏ đức tin và còn tồi tệ hơn một kẻ không có đức tin.

CÁCH NGÔN 29:18 - Ở nơi Chúa không dõi theo thì con người sẽ không biết tự kiềm chế; nhưng may người may mắn là người tuân theo pháp luật.

Read 3185 times Last modified on Thứ ba, 07 Tháng 9 2021 19:25
Quang Harvest

Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương. [1 Cô-rinh-tô 13:13]

Comments powered by CComment

Chúng tôi đang phát hành nhiều Music Video nhạc mới trên

Liên Hệ

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin
Hy Vọng & Tình Yêu
www.quangharvest.com
Email: info@quangharvest.com

Nhận Bản Tin

Đăng ký để nhận thông tin cập nhật