Thứ ba, 18 Tháng 7 2017 14:27

Bí Mật Của Vua Solomon – 09. CHƯƠNG 5 “CŨNG CẦN PHẢI HÀO PHÓNG”

Written by
Rate this item
(1 Vote)

CHƯƠNG 5

“CŨNG CẦN PHẢI HÀO PHÓNG”

TÓM TẮT:

Cần có động cơ đúng đắn cho các quyết định đầu tư.

Cho đi là cuộc đầu tư tốt nhất với ít rủi ro nhất, và có cổ tức lớn nhất.

- JOHN TEMPLETON,

nhà đầu tư và nhà từ thiện

Nhà tài chính người Mỹ gốc Anh, Sir John Templeton biết một chút về cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền. Ông cũng biết một chút về việc cho đi.

Hơi phiền lòng vì không có giải Nobel cho tôn giáo, ông đã lập ra Giải thưởng Quỹ Templeton dành cho Sự tiến bộ tôn giáo. Hàng năm, một giải thưởng lớn bằng tiền sẽ được trao cho người nào có đóng góp vào sự tiến bộ của tôn giáo trên thế giới. Quỹ của ông cũng hỗ trợ cho các ngành khoa học tự nhiên. Ông đã nhận ra rằng, cho đi cũng là một hình thức đầu tư.

Việc cho đi thì phỏng có liên quan gì đến đầu tư cá nhân? Tôi biết bạn có thể nghĩ rằng, cuốn sách này nói về việc học các nguyên tắc bất di bất dịch từ một trong những người khôn ngoan nhất và giàu nhất thế giới, và nói về cách gia tăng sự giàu có của bạn chứ không phải nói về việc cho tiền đi. Đúng là thế đấy. Ngoài ra, tôi có thể nghe bạn nói, “Tôi sẽ tính đến việc cho đi sau, nhưng trước hết tôi phải trở nên thực sự giàu có đã.” Xin lỗi bạn, nhưng quy tắc này không hoạt động theo cách đó. Bây giờ, tôi lại nghe thấy bạn nói, “Xin đừng rao giảng học thuyết Chúa sẽ ban tặng sức khỏe và sự giàu có cho các con chiên ngoan đạo nữa.” Tôi sẽ không làm thế, mà chỉ dựa trên những gì vua Solomon và Kinh Thánh viết để nói về chủ đề này.

Vì vậy, hãy thắt dây an toàn và gập khay ăn của bạn thật kín và dựng thẳng lên nhé. Chúng ta sắp cất cánh đấy.

GIÀU CÓ LÊN NHỜ BIẾT CHO ĐI

Hãy bắt đầu với lời của Chúa Giêsu. Trong một dụ ngôn của Người, Chúa Giêsu nói, “Đức Vua sẽ trả lời, ‘Ta sẽ nói lên sự thật, bất cứ điều gì ngươi đã làm, ít nhất là làm cho một trong những người anh em của ta, thì cũng chính là làm cho ta đấy.’”(Matthew 25:40)1. Bây giờ, cứ cho là tuyên bố này có thể, và chắc chắn đều ngụ ý đến cả việc phụng sự vật chất và thể xác, và nó cũng bao gồm cả hỗ trợ về tiền bạc. Có nhiều cách để phụng sự những người xung quanh chúng ta, những người có thể có ít tiền bạc hơn chúng ta.

Hãy kiếm tiền càng nhiều càng tốt. Hãy tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Hãy đầu tư càng nhiều càng tốt. Hãy cho đi càng nhiều càng tốt.

- JOHN WESLEY,

người truyền bá kinh Phúc Âm và nhà sáng lập Hội Giám lý người Anh

Trong chương này, chúng ta sẽ tập trung vào việc chia sẻ về tài chính. Chia sẻ tiền bạc, cũng như thời gian và công sức của chúng ta, cho những người cần chúng là việc làm đáng tưởng thưởng, nhưng tôi hy vọng bạn cũng sẽ biết chúng rất quan trọng đối với sự phát triển cá nhân của bạn.

Có lẽ bạn đã nghe câu này hàng nghìn lần: “Tôi đã thu được nhiều hơn tôi đã cho đi.”

Đó là trọng tâm của chương này. Tôi hy vọng rằng, với sự giúp đỡ của vua Solomon và một số người khôn ngoan khác, bạn sẽ dần dần nhận ra: có một trái tim biết sẻ chia sẽ giúp bạn như thế nào trong việc đạt được ước mơ thành công trong đầu tư của bạn.

Hãy để tôi làm rõ thêm nhé. Chúng ta không nói về một học thuyết “đặt tên cho nó và khẳng định nó”; cũng không phải là chúng ta đang đi quá sâu vào cuốn thánh thư dễ gây hiểu lầm nói về chín tầng trời sẽ mở ra như thế nào với bạn chỉ vì bạn đã cho đi rất nhiều.

Những gì chúng ta sẽ xem xét là làm thế nào mà việc cho đi lại giúp bạn gia tăng sự giàu có. Có vẻ như phản trực giác, có phải không? Tuy nhiên, không phải thế đâu. Như bạn thấy, đầu tư phù hợp, tiết kiệm để nghỉ hưu và sống dưới mức số tiền bạn kiếm được (như chúng ta sẽ thấy trong chương kế tiếp) tất cả đều có một cái gì đó, nói chung là rất quan trọng. Tính tương đồng ở đây là thái độ và quan điểm.

Nếu một người có thái độ đúng đắn đối với tiền bạc sẽ giúp giải quyết hầu như mọi lĩnh vực khác của đời sống.

- BILLY GRAHAM,

nhà truyền bá kinh Phúc Âm người Mỹ

Bạn tôi, Larry, cũng là kế toán của tôi, đã cố gắng dạy tôi chính nguyên tắc này. Ông ấy hỏi: “Tại sao đã giàu tột bậc rồi mà mọi người vẫn không bao giờ thấy đủ?”

Larry có một số khách hàng kinh doanh giàu có, thành công, những người luôn luôn phấn đấu để có nhiều tiền hơn nữa. Một số người trong số này sống trong những ngôi nhà hoành tráng, loại nhà mà đa số chúng ta chỉ thấy trong các tạp chí sành điệu in trên giấy cao cấp, hoặc trên các chương trình truyền hình nói về sự giàu có đến cực đỉnh. Hầu hết những người này đều lái những chiếc xe cực kỳ đắt tiền và xa hoa. Họ tham gia các câu lạc bộ thể thao ngoài trời, ăn những loại thức ăn sơn hào hải vị, và có các kỳ nghỉ hết sức xa xỉ. Làm sao mà tôi biết những chuyện này? Tôi đã từng là một trong những người như thế mà. Giờ thì không còn được như thế, nhưng tôi sẽ kể thêm trong một dịp khác.

Tôi nghĩ rằng quan điểm của Larry đơn giản chỉ là: Khi bạn đã có nhiều tiền hơn so với đa số mọi người, tại sao phải làm khổ mình hàng giờ, với những cơn stress cấp tính và phải ở xa những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như gia đình của mình, chỉ để kiếm được nhiều tiền hơn nữa nhỉ?

Suy nghĩ của ông đòi hỏi câu trả lời cho những câu hỏi kiểu như: “Đến khi nào mới là đủ?” và “Tại sao bạn phải làm thế?”

Hy vọng rằng, bạn có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất trong Chương 1, nơi chúng ta đã học được cách thiết lập mục tiêu hợp lý. Nếu việc đạt được các mục tiêu đó là mục đích của chúng ta, thì đó không phải là một nơi tốt để thoái lui và có thể định hướng lại năng lượng của chúng ta hay sao? Lập luận này chỉ là một phần của câu trả lời cho hai câu hỏi của chúng ta. Phần còn lại là, như Đức Thánh Paul đã viết: “Làm việc để bạn có thể có một cái gì đó mà cho đi.” (Êphêsô 4:28).

Hãy nghĩ về điều đó một chút. Làm việc để bạn có thể có một cái gì đó để mà cho đi. Chắc chắn chúng ta phải đưa cho chủ nợ của chúng ta. Những chi phí tự áp đặt này có trợ giúp chúng ta trong việc đưa ra các quyết định đầu tư tốt hay không? Không! Số tiền chúng ta tiêu pha để hỗ trợ cho “chất lượng cuộc sống” và “mức sống” của chúng ta chẳng làm nên chuyện gì, mà chỉ che lấp đi khả năng nhận thức của chúng ta về ý nghĩa của cụm từ “chất lượng cuộc sống”.

Như đã thảo luận trong Chương 1, chúng ta nên đặt ra những mục tiêu không chỉ cho các mục đích tiết kiệm của chúng ta (tức là cho nghỉ hưu, cho việc học đại học của con cái), mà còn cho các mục tiêu giúp chúng ta đánh giá thành công của chúng ta. Khi nào bạn có đủ tiền để sống một cuộc sống thoải mái và để gia tăng sự cho đi? (Xin lưu ý là tôi nói “gia tăng”, chứ không nói “bắt đầu”.) Việc cho đi phải bắt đầu từ rất sớm để tiền đồ của bạn vẫn rõ ràng và tương xứng với giá trị của bạn.

Dưới đây là gợi ý về việc một quan điểm rõ ràng dựa trên giá trị sẽ tăng cường khả năng đưa ra các quyết định đầu tư có chất lượng của bạn như thế nào.

Nếu “đủ là không bao giờ đủ”, hoặc nếu bạn thực sự không biết cần bao nhiêu tiền để sống được ở một mức thoải mái hợp lý, thì bạn có thể nghiêng sang đầu tư vào những cổ phiếu không chắc chắn, và mạo hiểm trong một nỗ lực nhằm tối đa hóa lợi nhuận đầu tư.

Như bạn có thể thấy, triết lý cá nhân của bạn đối với mục đích đầu tư, cũng như cho đi về mặt tài chính, có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của bạn.

Cuốn sách này không kể về tôi, nhưng một câu chuyện của cá nhân tôi có thể làm cho luận điểm của tôi rõ ràng hơn.

Trong Chương 2, khi thảo luận về việc thiết lập mục tiêu, tôi đã đề cập đến việc sử dụng một cuốn sách tranh - một cuốn sách ghi lại các ham muốn vật chất để khích lệ tôi. Tôi khuyên bạn cũng nên làm như vậy. Trong thời gian đó của cuộc đời, thu nhập và tiết kiệm đầu tư của tôi đã tăng trưởng đáng kể và tôi đã đạt được 100% những mục tiêu đó. Tôi không thể nghĩ về cuốn sách đó mà không cảm thấy ngượng bởi nó non nớt đến mức nào. Cuốn sách đã có hiệu quả.

Giá trị tài sản của tôi cứ lớn dần, lớn hơn nữa. Tôi bắt đầu đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư mà tôi có thể đã tránh được.

Tôi đã được mời đầu tư vào một công ty mới thành lập có những giá trị đáng tin cậy và một kế hoạch kinh doanh tuyệt vời. Nhiệm vụ của công ty là giúp đỡ các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo khác, chẳng hạn như các trường học Cơ Đốc giáo và các cơ sở chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài chính để hỗ trợ họ trong việc đáp ứng mục tiêu của họ.

Tất cả mọi người tham gia đều rất say mê với sứ mạng của công ty. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi được “kêu gọi” đến với cơ hội “xây dựng Tổ quốc” này. Doanh nghiệp sẽ có giá trị đối với các tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời các cổ đông của chúng tôi cũng sẽ nhận ra có một sự gia tăng vững chắc về tài chính.

Với kiến thức nền rộng lớn về tài chính và đầu tư, tôi được bầu làm Giám đốc điều hành. Bây giờ, bạn hãy học hỏi từ phần tiếp theo này của câu chuyện nhé: Quá phấn khích về khía cạnh giá trị của liên doanh này và về số tiền được Hội đồng quản trị đề nghị để xây dựng công ty, đến nỗi tôi đã quên mất động lực ban đầu. Vâng, tôi rất muốn giúp đỡ các nhà thờ và trường học, nhưng một đám mây đen đã kéo đến khi tôi đang hình dung về cuốn sách tranh “mới” có chứa những cơ hội của tôi.

Kế hoạch kinh doanh của công ty rất chắc chắn, đội ngũ các nhà chuyên nghiệp tôi đã lập nên thật tuyệt vời, và chúng tôi đã lôi kéo được một số ngân hàng và nhà đầu tư lớn nhất trên thế giới tham gia. Ai tìm hiểu về liên doanh cũng thấy rất phấn khích.

Ngày ra mắt của chúng tôi đã đến, ngày mà chúng tôi ký kết các hợp đồng cần thiết tạo ra hàng trăm triệu đôla với các mức tín dụng mà chúng tôi có thể áp dụng lần lượt cho các nhà thờ, trường học vay, và cứ như vậy. Đó cũng là ngày thế giới này biết đến cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp sắp xảy ra ở Hoa Kỳ và ở châu Âu. Chính cái ngày ấy! Buổi sáng bắt đầu thật tuyệt, sau đó tụt dốc rất nhanh chóng.

Chẳng cần phải nói, vì công ty này sẽ là doanh nghiệp đi vay, nên mặc dù chúng tôi sẽ cho các nhà thờ và các trường học vay nhưng công ty chúng tôi đã hoàn toàn phải đóng cửa trước khi chúng tôi có được giao dịch đầu tiên. Không phải là chúng tôi không có khách hàng đang xếp hàng ở cửa, mà bởi vì chúng tôi đã buộc phải đóng cửa. Vấn đề là, các ngân hàng Mỹ và châu Âu đã cắt mất con đường tiếp cận nguồn vốn của chúng tôi.

Tại sao tôi lại kể với bạn điều này nhỉ?

Tôi đã đầu tư hơn 1,5 triệu đôla tiền riêng của tôi vào công ty này và bị mất sạch sành sanh. Tôi sẽ ngừng một phút để bạn có thể hiểu được điều này. Hơn 1,5 triệu đôla tiền của riêng tôi đã biến mất. Như bạn có thể mường tượng, bà vợ thân yêu của tôi không thể vui mừng vì chuyện này.

MỘT CUỐN SÁCH TRANH MỎNG HƠN NHƯNG RỘNG HƠN

Đây mới là phần quan trọng của câu chuyện: Tôi đã thiết kế lại “cuốn sách tranh” về mục tiêu của mình. Việc mất tất cả số tiền đó buộc tôi phải bán tất cả các thứ tôi có được trước đây. Ngôi nhà được thiết kế theo ý riêng phải ra đi. Chiếc Mercedes cũng ra đi. Thẻ thành viên cái câu lạc bộ “chơi ngông” kia ra đi. Các chuyến du lịch vòng quanh thế giới biến mất. Tất cả đều biến mất. Tất cả là vì tôi đã tập trung vào việc làm giàu “dễ dàng”.

Cuốn sách tranh mới của tôi mỏng hơn nhiều so với cuốn đầu tiên, nhưng nó có sức mạnh hơn nhiều. Lần này, tôi muốn nhìn thấy tôi có thể cho đi bao nhiêu tiền. Cứ cho là, vợ chồng tôi và tôi muốn được an toàn khi nghỉ hưu cũng như giúp con trai của chúng tôi đứng vững trên mặt đất khi nó bắt đầu cuộc sống trưởng thành, nhưng tất cả là vì: chúng tôi muốn cho chính bản thân mình.

Bạn tin hay không thì tùy, nhưng chúng tôi đang sống hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tôi không nói rằng đói nghèo là mục tiêu, mà nói rằng bạn cần có quan điểm thẳng thắn khi cân nhắc để sử dụng tiền bạc của bạn theo cách nào là tốt nhất. Quan điểm của tôi, khi đã trở nên chín chắn, là tất cả những thứ cá nhân con người có thể tích lũy được thực sự là vô giá trị. Tuy nhiên, nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của một người hay một giáo đoàn, những người chỉ cố gắng để tồn tại và phụng sự trong thế giới này, là mục đích đầu tư lớn nhất mà tôi có thể đã từng đặt ra.

Việc cho đi không mới mẻ gì đối với tôi. Tôi đã luôn luôn cố gắng để hào phóng. Thành thật mà nói, tôi đã cho đi rất nhiều, nhưng chỉ khi tôi đã sống một cuộc sống hoàn toàn xa hoa. Tôi đã có thể cho đi nhiều hơn bao nhiêu nữa nếu đã không quá tham lam với sự thoải mái của riêng mình?

Tôi hy vọng bạn hiểu được sức mạnh của sự chuyển đổi này. Không phải tôi cố gắng gièm pha các tiêu chuẩn về tích lũy và mức độ hào phóng của bạn, chỉ đơn giản là tôi chia sẻ những gì tôi đã nhận ra là sự thật.

Người thầy của chúng ta, vua Solomon đã dạy chúng ta điều này từ lâu khi ông viết, “Suốt ngày, nó [người tham] khao khát có nhiều hơn nữa, còn người chính trực cho đi mà không do dự.” (Cách ngôn 21:26).

Ông cũng đã dạy: “Một người cho đi thoải mái, nhưng cái lợi thu được thậm chí còn lớn hơn; còn người kia cứ thu về một cách thái quá, nhưng dần dần trở nên nghèo đói. Một người hào phóng sẽ trở nên giàu có; anh ta đã làm vui lòng những người khác nên sẽ được vui lòng” (Cách ngôn 11: 24-25).

Có phải Chúa làm cho doanh nghiệp mới của chúng tôi thất bại? Tôi cũng không biết nữa. Tuy nhiên, cho dù Chúa có làm thế hay không, hàng ngày tôi vẫn cảm ơn Người vì các bài học mà tôi đã dần dần học được, và hạnh phúc mà tôi đã trải nghiệm. Có phải tôi đang hy vọng “thu được thậm chí còn nhiều hơn” bằng cách cho đi thoải mái và điều chỉnh lại trọng tâm của tôi không? Hoàn toàn không! Tôi chỉ muốn phụng sự con cái của Người, chứ không phải phụng sự mong muốn của riêng tôi, để được bất kỳ món quà nào mà Người đã chọn cho tôi. Sự tự do mới được phát hiện này mang tính giải phóng đến không ngờ.

Không có gì nguy hiểm hơn việc bị sự thịnh vượng làm mờ mắt.

- JOHN CALVIN, 

nhà thần học và nhà cải cách người Pháp

Một người ít nhất đã bắt đầu khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống con người khi anh ta trồng những cái cây để lấy bóng mát trong khi biết rất rõ là mình không bao giờ ngồi dưới những cái cây đó.

- D. ELTON TRUEBLOOD, 

tác gia, nhà giáo dục, triết gia và nhà thần học người Mỹ

Tôi đang tìm kiếm một loại giàu có khác, loại giàu có đến từ việc làm một điều gì đó cho người khác. Lời trích dẫn của Trueblood vang lên trong tâm trí tôi.

Để trồng cây lấy bóng mát mà tôi biết tôi sẽ không bao giờ núp dưới cái bóng đó thì mới là cao thượng. Trueblood nói cho chúng ta biết rằng, thật giá trị khi làm một việc gì đó để giúp những người khác, ngay cả khi nó không mang lại lợi ích trực tiếp cho chúng ta.

Tôi đã được nghe “các chuyên gia” về tài chính tư vấn cho khách hàng của họ đừng cho đi trước khi đã tích lũy được và đạt được mọi ước muốn của mình. “Hãy chăm sóc bản thân mình trước,” vị cố vấn nói. “Hãy đảm bảo đạt được kế hoạch về hưu của bạn, trả tiền cho con cái bạn học hành, và đầu tư tiền của bạn để đi du lịch khắp thế giới và ăn chơi thỏa thích để bù đắp lại bạn đã phải làm việc vất vả.”

Điều mà vị cố vấn không nhận thức được là, ông ta đang tước đi của khách hàng một trong những món quà lớn nhất mà họ có thể sẽ được Chúa ban tặng. Ngoài ra, vị cố vấn đang lừa dối khách hàng của mình về nhận thức sâu sắc quý báu đối với việc thiết lập mục tiêu và quản lý đầu tư tài chính.

Trên một trang web được gọi là Cho tặng hào phóng (www. generousgiving.com), một tác giả giấu tên đã làm một việc tốt là tóm tắt chủ đề của chương này.

Về cơ bản, tác giả nói với chúng ta rằng, Chúa muốn chúng ta tham gia vào việc cho tặng như một hành động đáp lại món quà mà Người đã ban tặng cho chúng ta. Vì vậy, bổn phận của chúng ta là bổn phận đối với Chúa chứ không phải với người nào khác. Không ai khác đã cho chúng ta những gì chúng ta đang có, ngoài Chúa, và chắc chắn chúng ta sẽ phải báo cáo với Người khi chúng ta trở về bên cạnh Chúa. Trong Kinh Thánh có rất nhiều câu thơ dẫn đường cho chúng ta khi nói đến việc cho đi. Có thể là, nhiều lần chúng ta đã cho đi vì lý do tài chính mà sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta theo một cách nào đó; thế nhưng, đó phải là một mối quan tâm thứ hai chứ không phải là động lực chính của các món quà của chúng ta. Những món quà của chúng ta nên là một sự đền đáp để tỏ lòng biết ơn. Tác giả viết:

Chúng ta đừng bao giờ tắt đi hoàn toàn cái vòi nước của sự hào phóng có cảm hứng xuất phát từ hồng ân của Chúa (vì mục đích thuế má hoặc để đảm bảo cho chúng ta có thể đáp ứng các mục tiêu tài chính nhất định vì sự thoải mái và an toàn của chúng ta). Vì Chúa có thể đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta, và người đặc biệt hài lòng khi làm như vậy nếu con cái của Người tìm kiếm trước tiên trong vương quốc của Người sự giàu có mà Người đã tin tưởng ban cho họ (xem Lu-ca 12:15-34)2. Nếu một cố vấn tài chính nói khác đi, thì đôi khi, cách xử sự phù hợp là lịch sự từ chối lời khuyên của người cố vấn tài chính đó.

Tôi sẽ còn đi sâu hơn. Tôi khuyến nghị bạn nên làm việc với một vị cố vấn tài chính để hiểu rằng còn có nhiều thứ trên đời chứ không chỉ có tiền bạc. Trong cuốn sách đầu tiên của tôi, Vạch trần thủ đoạn đầu cơ kích giá ở Phố Wall, tôi đã dành nhiều thời gian để thảo luận về cách thức để tìm được một cố vấn đầu tư có phẩm chất tốt.

Có dễ cho đi hơn khi bạn đã xây dựng được một danh mục đầu tư lớn không? Câu trả lời là: Có. Có dễ dàng hơn khi bạn có rất nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn không? Có. Điều đó có nghĩa là, bạn nên chờ cho đến khi bạn có được một biện pháp nào đó để được thoải mái về tài chính sao? Tất nhiên là không rồi.

Bạn đang ở đâu trong phạm vi an toàn về tài chính cũng không thành vấn đề, bạn nên cho đi để có thể hiểu được những lợi ích của việc chia sẻ và hiểu được, thông qua những bài học chỉ có thể học được bằng cách đặc biệt như thế, điều này sẽ giúp bạn trở thành người chăm sóc tiền bạc của bạn tốt hơn như thế nào.

Không phải là bất thường khi một người giàu chi những khoản tiền lớn cho những nhu cầu đặc biệt. Joan B. Kroc, người vợ của nhà sáng lập McDonald đã quá cố, Ray Kroc, đã chi 200 triệu đôla cho Đài phát thanh công cộng quốc gia, nhà đầu tư Warren Buffett đã đóng góp 37 tỷ đôla cho Quỹ Bill và Melinda Gates, một tổ chức hỗ trợ xoá bỏ bệnh sốt rét và bệnh mù do u sán chỉ.

Andrew Carnegie, nhà công nghiệp nổi tiếng thế kỷ thứ XIX, đã cho đi hơn 350 triệu đôla trong cuộc đời của mình. Số tiền đó ngày nay trị giá đến 4 tỷ đôla. Tiền bạc đã giúp xây dựng nên các trường đại học, thư viện, và nhiều thứ khác nữa. Ông viết, “Vượt lên trên số tiền khó có thể kiếm được này [50.000 đôla, một số tiền rất lớn vào cuối những năm 1800], đừng nỗ lực để gia tăng tài sản, mà hãy sử dụng số tiền lãi hàng năm cho các mục đích từ thiện.”

Tôi cho đi một số tiền lớn (tất cả đều chỉ là tương đối), nhưng tôi không bao giờ thấy bị tổn thương khi cho đi. Nhìn kỹ lại thì, có những món quà có thể lớn về số tiền, nhưng lại nhỏ về sự hy sinh. Điều đó có nghĩa là có thể có một món quà vô giá trị hay sao? Chắc chắn nó không vô giá trị hoặc vô nghĩa đối với người nhận, nhưng nó không bao giờ dạy cho tôi những bài học mà chỉ có sự hy sinh mới có thể dạy.

Bạn thấy đấy, sự cho đi mang tính hy sinh, loại cho đi có thể truyền dạy, nuôi dưỡng và chúc phúc chân thành, không bao giờ ở trong phạm vị hoạt động của tôi vì tầm nhìn của tôi đã đặt vào việc đạt được nhiều tiền hơn nữa. Tôi sẽ nói một điều gì đó, ví dụ như “Tôi đã cho đi nhiều nhất rồi, thế vẫn chưa đủ sao?” Như tôi đã nói, bất cứ cái gì cho đi đều được người nhận đánh giá cao, vậy thì cớ sao những người cho kém giàu có hơn lại phải bỏ lỡ những lợi ích khác thường của việc chia sẻ cơ chứ?

Tôi biết điều này hơi khó nghe, nhưng tôi trình bày với các bạn chỉ vì những ý định chân thành. Như bạn thấy đấy, tôi thực sự muốn bạn biết bạn có thể cảm thấy mình tốt như thế nào, và có thể làm bạn trở thành người quản lý tốt hơn tài chính của chính bạn ra sao.

Dưới đây là một vài suy nghĩ có thể giúp bạn hiểu rõ khái niệm này.

Một lần nữa, tôi lại trích dẫn từ Thánh Paul: “Mỗi người nên cho đi những gì mình đã quyết định trong trái tim của mình là sẽ cho đi, không phải miễn cưỡng hoặc bị ép buộc, vì Chúa yêu thương người biết cho đi một cách vô tư” (2 Cô-rinh-tô 09:07)3.

Nhà văn tuyệt vời người Anh, C.S. Lewis đã đề xuất như sau, coi như là một quy tắc chung để xác định cần cho đi bao nhiêu: Nếu nó không gây tổn hại, thậm chí chỉ một chút, thì có lẽ là chưa đủ. Ông viết:

Tôi không tin có ai đó có thể trả lời được câu hỏi: Chúng ta phải cho đi bao nhiêu. Tôi e rằng, quy tắc an toàn duy nhất là cho đi nhiều hơn chỗ dư thừa. Nói cách khác, nếu số tiền chúng ta chi cho sự tiện nghi, xa hoa, những thú vui, v.v... tăng đến mức tiêu chuẩn phổ biến trong số những người có thu nhập tương đương như chúng ta, thì chúng ta có thể đã cho đi quá ít. Nếu các khoản tiền từ thiện của chúng ta hoàn toàn không ảnh hưởng hoặc cản trở chúng ta, tôi sẽ nói rằng chúng quá nhỏ bé. Cần phải có những việc chúng ta sẽ thích làm và những việc chúng ta không thể làm được vì các chi phí cho công việc từ thiện của chúng ta không cho phép.

VUI MỘT TÍ

Chẳng phải là tội lỗi khi ta nghèo hèn - nhưng thật quá bất tiện.

- MARK TWAIN, 

tác giả

Xin bạn hãy nhớ rằng, ý định của tôi là giúp bạn học hỏi để trở thành một nhà đầu tư tốt hơn. Có một số bài học khó học hơn một số bài học khác, nhưng tôi đảm bảo với bạn, những lợi ích của nó lớn hơn nhiều so với bất kỳ cố gắng nào mà chúng ta phải bỏ ra.

Hãy tự hỏi mình

1. Mình đã có một ý tưởng về thế nào là đủ chưa?

2. Lần cuối cùng mình đã giúp đỡ một người nào đó mà không nghĩ đến việc người đó hoàn trả số tiền hoặc mang ơn mình là khi nào nhỉ?

3. Mình có thể vừa tằn tiện được lại vừa có thể cho đi không? (Câu trả lời là có.)

4. Người giàu cho đi vì họ có thể cho đi hay vì họ quan tâm đến người khác?

Những việc cần làm một cách khôn ngoan

1. Chia sẻ thời gian, công sức và tiền bạc của bạn cho những người khác mang lại một sự giàu có về tình cảm kéo dài suốt cả cuộc đời.

2. Mọi người đều cần được giúp đỡ. Hãy giúp đỡ người khác khi bạn muốn được giúp đỡ.

3. Một tình trạng tài chính lành mạnh và hùng hậu là phương tiện để đạt được những mục đích cao hơn. Đừng quên những lý tưởng tuyệt vời trong cuộc sống.

4. Bạn có thể tạo nên sự thay đổi trong cuộc sống của những người khác. Tại sao lại không làm như vậy?

5. Tiền bạc không phải là nguồn gốc của cái ác, nhưng tình yêu dành cho tiền bạc có thể là nguồn gốc của cái ác. Hãy tìm ra cách thức để chia sẻ một chút những gì bạn có.

LỜI KHUYÊN CỦA NGƯỜI XƯA

MATHIƠ 25:40 - “Đức Vua sẽ trả lời, ‘Ta nói cho ngươi biết sự thật, bất kể việc gì ngươi đã làm, ít nhất là cho một người trong số những huynh đệ của ta, thì cũng chính là làm cho ta vậy’.”

ÊPHÊ-SÔ 4:28 - Người đang ăn cắp phải thôi ăn cắp và cần phải làm việc, làm một việc gì đó hữu ích bằng đôi bàn tay của mình, để có thể có một cái gì đó mà chia sẻ với những người cần được giúp đỡ.

CÁCH NGÔN 11:24 - Một người cho đi thoải mái thì thậm chí sẽ nhận được nhiều hơn; người cứ bo bo một cách thái quá sẽ dần dần nghèo đi. Người hào phóng sẽ giàu có; anh ta biết làm cho người khác vui lòng nên mình cũng được vui lòng.

CÁCH NGÔN 21:16 - Suốt ngày, [người ta] thèm khát có nhiều hơn nữa, nhưng người chính trực cho đi mà không dè dặt.

2 CÔ-RINH-TÔ 9:7 - Mỗi một người đều nên cho đi những gì mà trong thâm tâm người đó đã quyết định cho đi, không miễn cưỡng hoặc bị ép buộc, vì Chúa luôn yêu thương những người cho đi một cách vô tư.

VI. GIÀU CÓ THỰC SỰ

Từ trước đến giờ, chưa bao giờ Abidan được đi xe ngựa, vì vậy cậu cảm thấy trải nghiệm này thật phấn khích. Không chỉ chưa bao giờ được đi xe ngựa, mà trong đời cậu còn rất ít được nhìn thấy xe ngựa. Cha cậu đã giải thích rằng, xe ngựa thường thích hợp hơn với việc đi lại trên đất bằng chứ không thích hợp với địa hình đồi núi xung quanh Jerusalem. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng vua Solomon có 1.400 chiếc xe ngựa như thế, và có đủ ngựa để kéo những cỗ xe đó. Nhiều người trong thành phố cũng đang đóng xe ngựa.

Sự chuyển động của cỗ xe khiến Abidan cảm thấy như thể cậu đang bay là là trên mặt đất. Người đánh xe điều khiển những con ngựa đi chầm chậm qua các đường phố, lưu tâm để khỏi đụng vào người đang đi bộ hoặc cưỡi lừa. Tuy nhiên, cậu cũng cảm thấy hình như mình đang đi nhanh hơn trước đây rất nhiều.

Các chi tiết của chiếc xe ngựa nói cho Abidan biết rằng nó được mang về từ Ai Cập, và cậu cho rằng những con ngựa cũng từ đó đến đây. Cậu vẫy tay chào những người trên đường phố và cảm thấy có một chút tự hào khi được là tâm điểm của sự chú ý trong khu phố của mình. Khoảng một chục đứa trẻ con chạy theo họ. Cậu hiểu được sự phấn khích của chúng.

Người đánh xe ngựa là một người đàn ông cao, gầy, có vẻ mặt nghiêm nghị. Anh ta luôn nhìn về phía trước, thỉnh thoảng lại la lên, “Tránh đường nào. Tránh đường nào!”

“Chúng ta sẽ đi đâu ạ?” Abidan hỏi.

“Rồi cậu sẽ thấy.”

Abidan mỉm cười. Cậu đã dần quen với những người hầu luôn kín tiếng của nhà vua.

“Chúng ta sẽ đi xa phải không ạ? Cháu hy vọng như vậy.”

“Không xa đâu.”

Abidan đã thôi không đặt câu hỏi với người đánh xe và tự cho phép mình tận hưởng từng giây phút đang trôi qua. Trời quang mây, nhưng khói bốc lên từ các bếp lửa làm không khí nhuốm màu lam, mùi bánh mì nướng và các loại thức ăn khác đang bốc lên.

Họ đi từ khu phía nam của thành phố về hướng bắc, phía có cung điện của nhà vua. Abidan đoán rằng vua Solomon đã mở lòng nhân ái bằng cách cho xe ngựa đón cậu để cậu khỏi phải đi bộ qua cái thành phố nhỏ như những lần trước. Giả định đó đã nhạt nhòa đi khi người đánh xe điều khiển những con ngựa từ đường chính đi vào một con phố nhỏ. Ở đây có những ngôi nhà chỉ lớn hơn ngôi nhà một tầng mà cái gia đình năm người của Abidan đang sống một chút.

Chiếc xe ngựa dừng lại trước một ngôi nhà trông có vẻ đơn giản, có sân trước điển hình. “Đức Vua đang chờ cậu ở trong đó.”

Abidan không nhúc nhích. “Đức Vua của chúng ta đang ở trong căn nhà đó sao?”

“Đúng rồi. Đừng để nhà vua phải chờ đợi.”

Abidan bước xuống xe, và chiếc xe ngựa chạy đi. Ngay giữa sân có hai người đàn ông lực lưỡng đang đứng, mỗi người đeo một thanh kiếm ở bên sườn. Quân cấm vệ, Abidan đoán.

Cậu mở cái cổng đơn sơ giữa bức tường và bước vào trong sân. Cậu bước vài bước về phía người đàn ông gần nhất. “Tôi là Abidan, con trai của Zerah. Tôi đến để gặp Đức Vua.” Giọng cậu run run khi đứng trong cái bóng cao lớn của người đàn ông này.

“Ở trong kia,” người vệ sĩ nói, chỉ tay vào cánh cửa của ngôi nhà. Abidan hít một hơi thật sâu và bắt đầu đi về phía cái cửa đang mở, không nghi ngờ gì là để đón cơn gió buổi sáng. Cậu bước qua ngưỡng cửa. Như hầu hết mọi nhà ở Jerusalem, bên trong nhà được chia thành nhiều khu vực: một chỗ để ngủ, một chỗ để nấu ăn, và một chỗ để ngồi. Vua Solomon ngồi ở một cái bàn dài, nhẵn thín, cánh tay phải chống lên mặt bàn, tay trái đang lấy thức ăn từ những cái bát. Một ông già có vẻ mặt buồn buồn và mái tóc bạc trắng đang ngồi trên chiếc ghế băng đối diện với nhà vua. Abidan đoán ông ta là chủ nhà.

Solomon nhìn lên. “Abidan à, ta thấy con đã đến đây an toàn. Con đã tận hưởng cuộc hành trình đến đây tốt chứ?”

“Vâng, thưa Đức Vua vạn tuế. Cảm ơn Người đã ban cho con đặc ân được đi xe ngựa.”

“Hoàn toàn không phải thế đâu, Abidan. Nó dễ dàng hơn so với việc phái đi một người đưa tin cùng với những hướng dẫn. Vả lại, một thanh niên trẻ như con vẫn thích những thứ như vậy.”

“Con hy vọng rằng một ngày nào đó con có thể sở hữu một chiếc xe ngựa đẹp như vậy.”

Solomon nghiêng đầu. “Con ư?” Nhà vua nhìn ông già và nhướng mày. Ông cụ mỉm cười nhưng không nói gì. “Nào, bây giờ thì đến đây ngồi với chúng ta. Nemuel đã chuẩn bị bữa ăn cho chúng ta đấy.”

Abidan đi đến chỗ có một chiếc ghế khác và ngồi xuống. Có một bát quả chà là, cá khô và vài ổ bánh mì đặt trên bàn. Nemuel đứng lên và rót nước đã pha với rượu vào cốc của Abidan. Abidan cảm ơn ông.

“Đây là cậu bé mà Đức Vua đã kể với thần phải không ạ?” Nemuel nói. “Trông cậu ta có vẻ thông minh đấy.”

Solomon cười to. “Trông cậu ta có vẻ bối rối.” Quay sang Abidan, nhà vua nói, “Con có bối rối không, con trai?”

“Có ạ, thưa Đức Vua. Con đoán rằng con sẽ được đưa đến cung điện của Người.”

“Dù là vua thì cũng thỉnh thoảng phải ra khỏi cung điện của mình chứ. Ta muốn đến thăm một người bạn của ta trong cung điện của ông ấy.”

Abidan cố nhịn cười. Chắc chắn là ngôi nhà này lớn hơn nhà của cậu, và cậu có thể thấy rằng nó có một số đồ đạc tốt, nhưng nó không thể là cung điện được.

“Ta rất vinh dự được đến đây.”

“Đức Vua thật là lịch sự.” Nemuel nói cùng với một nụ cười. Abidan có thể thấy rằng hàm răng của ông cụ đã bị rụng vài chiếc. Không phải chuyện lạ đối với một người ở độ tuổi ông.

“Khi còn trẻ, Nemuel đã phục vụ trong triều đình của cha ta và đã tư vấn cho Người rất tốt. Ta biết ông khi trạc tuổi con, Abidan ạ. Chúng ta trở thành những người bạn. Sau khi ta lên ngôi, ông đã phục vụ ta trong nhiều năm.”

“Nhưng bây giờ ông không còn phục vụ Người nữa ạ?” Abidan hỏi.

“Ông đã về nghỉ hưu rồi. Ta thường đến để trò chuyện và xin lời khuyên của ông.”

Abidan lấy một quả chà là và cắn một miếng. Cậu ngắm nhìn Nemuel một lúc, sau đó ngắm nhà vua. Cậu đã trải qua nhiều bài học với nhà vua nên biết Đức Vua thường bắt đầu bài học trước khi Abidan nhận ra nó.

“Được phục vụ nhà vua là một vinh dự,” Abidan nói.

“Đúng thế. Tôi tự hào về công việc mà tôi đã làm.”

Cuộc trò chuyện chuyển sang hồi ức của Nemuel về Đức Vua Cha của Solomon, vua David, và những tình tiết bao quanh Đức Vua Cha. Abidan nói rất ít, chờ đến thời điểm khi nhà vua quay sang cậu và đặt một số câu hỏi. Thời gian trôi qua, và cuối cùng Solomon đã đứng dậy chuẩn bị ra về. Abidan theo nhà vua ra khỏi nhà, vẫn còn bối rối là tại sao cậu đã được mời ngồi cùng bàn với họ.

“Chúng ta hãy đi bộ về cung,” Solomon nói.

“Đi bộ ạ?”

“Ta thích đi bộ, và con vẫn còn trẻ, vì vậy chẳng có gì mà con phải căng thẳng.”

“Vâng, thưa Đức Vua. Tất nhiên rồi ạ.”

Khi họ đã ra khỏi sân và đi về hướng bắc, hai người vệ sĩ trong sân đi sau họ một khoảng ngắn. Hai người vệ sĩ khác, những người Abidan đã không nhìn thấy khi cậu đến, đi phía trước cách họ mươi bước. Người đánh xe và chiếc xe ngựa đi sau cùng.

“Con cảm thấy thế nào khi cùng ăn một bữa với một trong những người giàu nhất ở Jerusalem này?” Solomon chắp tay sau lưng, và cúi đầu xuống một chút như một người đang suy nghĩ rất sâu.

“Con coi trọng mỗi phút con được ban đặc ân ở bên Người ạ.”

Solomon lắc đầu. “Ta không đề cập đến mình.”

Tâm trí Abidan bối rối. “Con xin lỗi, thưa Đức Vua, nhưng con không hiểu. Đức Vua đang nói về ai ạ?’’

“Tất nhiên là Nemuel. Chỉ có ba chúng ta ngồi cùng một bàn, Abidan ạ.”

“Con biết... Con chỉ muốn nói... Nemuel có phải là một người giàu có ấy ạ?”

“Một trong những giàu có nhất mà con từng được gặp.”Solomon dừng lời và ngắm nghía Abidan. “Trông con có vẻ lúng túng nhỉ.”

“Vâng, thưa Đức Vua. Con muốn nói là, ngôi nhà của ông ấy rất đẹp, nhưng không phải là loại nhà mà người giàu có thường xây cho mình. Nó chỉ hơi lớn hơn nhà của cha con, và nhà con không phải là nhà giàu có.”

“Con tính sự giàu có bằng kích thước ngôi nhà của một người sao?”

Abidan cảm thấy như thể cậu vừa bước vào một con dốc trơn trượt. “Không, thưa Đức Vua.”

“Thế thì nhận biết một người giàu có bằng cách nào?”

Abidan cố gắng bước thật cẩn thận và chầm chậm trong khi suy nghĩ để trả lời.

Solomon nhắc cậu. “Abidan ạ, đôi khi cách tốt nhất là nói một cách trung thực hơn thay vì tìm kiếm một câu trả lời mà con nghĩ là ta muốn nghe.”

“Vâng, thưa Đức Vua. Người giàu có mặc quần áo đẹp, có nhà to, sở hữu những thứ mà đa số chúng ta không thể có được.”

“Đúng là có nhiều người như con nói, nhưng Nemuel rất giàu có, nhưng ông không sử dụng sự giàu có của mình để xây nhà to và sắm quần áo đắt tiền.”

“Tại sao vậy, thưa Đức Vua? Nếu ông ấy có đủ khả năng làm những điều này, tại sao ông ấy lại không làm ạ?”

Solomon ngẩng đầu lên, hít một hơi thật sâu, sau đó nói, “Một người giả vờ là giàu có nhưng chẳng có gì, người khác giả vờ nghèo nhưng lại có rất nhiều của cải” [Cách ngôn 13:07]. Nhà vua không nói thêm gì nữa. Ông thấy không cần nói. Abidan đã được dắt vào con đường giảng dạy như trước đây.

Như mọi khi, Abidan đọc lại những lời này nhiều lần, và cố gắng ghi nhớ. “Nemuel giả vờ là người nghèo nhưng rất giàu có ư?”

“Gần đúng, Abidan ạ. Như con biết, nhà của ông ấy to hơn nhà con. Ông ấy sống ở một trong những khu tốt nhất của thành phố, gần các đền thờ và các công trình công cộng. Ông ấy có đủ khả năng để làm nhiều điều khác nữa, nhưng ông ấy chọn lối sống như con đã thấy.”

“Thưa Đức Vua, con có thể hỏi một câu không ạ?”

“Cứ hỏi đi.”

“Nếu ông bạn của Người giàu có, nhưng làm việc trong triều đình của cha Người, thì ông ấy làm thế nào mà trở nên giàu có được ạ? Ông ấy có được thừa hưởng từ cha ông không?”

“Không, và ta sẽ giúp con bớt rắc rối khi phải hỏi nhiều nhé. Ta đã không đem đến cho ông ấy sự giàu có.”

“Con không hiểu, thưa Đức Vua.”

“Rất ít người hiểu, Abidan ạ. Nemuel đã dành cả đời để quản lý tiền bạc của mình. Ông ấy có đủ khả năng làm một ngôi nhà đắt tiền hơn nhưng ngôi nhà của ông ấy đã đáp ứng đủ các nhu cầu của mình và gia đình mình rồi. Ông ấy có thể mua được các loại thực phẩm tốt nhất,

nhưng ăn uống đơn giản vẫn giúp ông ấy béo khỏe. Số tiền mà ông ấy không dùng đến, ông ấy tiết kiệm để dùng cho tương lai của mình. Abidan, con có biết nhiều người trạc tuổi Nemuel sống như ông ấy không?”

Abidan lục lọi trong trí nhớ của mình. “Không ạ, thưa Đức Vua. Hầu hết mọi người đều làm việc cho đến lúc chết hoặc không thể làm việc được nữa. Nếu họ không thể làm việc, thì gia đình họ hỗ trợ họ.”

“Nemuel không làm việc nữa và ông ấy tự chăm sóc mình và vợ ông ấy. Ông ấy có thể làm được điều này vì ông ấy nghĩ rằng, tốt hơn là chỉ chi tiêu những gì cần chi tiêu, chứ không tiêu cho những gì mà ông ấy có thể chi tiêu. Con có hiểu không vậy?”

“Con đang cố gắng để hiểu, thưa Đức Vua. Nemuel sống một cuộc sống thoải mái vì ông ấy đã không bất cẩn với tiền bạc của mình. Ông ấy nghĩ đến tương lai, chứ không phải thời điểm hiện tại này.”

“Con đã nói đúng rồi đấy, Abidan. Bây giờ, bài học đối với con là gì?”

“Con phải chi tiền cho thứ con cần, chứ không phải cho những thứ con muốn. Trải qua thời gian, con sẽ tích lũy đủ số tiền tiết kiệm đủ dùng cho nhu cầu trong tương lai.”

“Chính xác.”

“Nhưng, thưa Đức Vua...” Abidan không dám hỏi.

“Ta không nghe thấy cả câu con nói.”

“Có gì đâu ạ, thưa Đức Vua. Câu hỏi của con thật khiếm nhã.”

“Con muốn biết tại sao, nếu lời nói của ta là khôn ngoan, ta lại sống trong một cung điện lớn và mặc những quần áo đẹp như thế này, và có rất nhiều người hầu kẻ hạ, và sống trong sự xa xỉ. Có phải đó là câu hỏi của con không?”

Abidan cúi đầu. “Vâng ạ, thưa Đức Vua.”

“Có rất nhiều lý do. Trước tiên, sự giàu có của ta đã phát triển rất nhanh đến nỗi ta không thể sử dụng tất cả. Nó sẽ được truyền lại cho người thừa kế của ta và vương quốc này sau khi ta chết đi. Thứ hai, ta là vua của đất nước này. Ảnh hưởng của ta trải dài từ Ai Cập ở phía nam đến sông Euphrates rộng lớn. Ta đại diện cho không chỉ bản thân mình, mà còn cho cả vương quốc này. Ta giao thiệp với các vị vua của nhiều quốc gia. Điều quan trọng là họ nhìn thấy ta là một người có quyền lực, sức mạnh, giàu có, và trí tuệ.”

“Con hiểu ạ.”

“Tình trạng của ta là duy nhất. Những gì Nemuel đã làm được thì bất cứ ai cũng có thể làm được.”

Abidan gật đầu. “Một người giả vờ là giàu có nhưng chẳng có gì, một người giả vờ là nghèo nhưng có rất nhiều của cải.” Cậu nghĩ thêm một chút về những lời này. “Có những người trông có vẻ giàu có nhưng thực ra lại rất nghèo. Có những người mà người khác cho là nghèo, nhưng họ lại thực sự giàu có.”

“Đúng, Abidan ạ. Trong cả hai trường hợp, người giàu và người nghèo đều đã lựa chọn. Con sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn như vậy.”

“Con sẽ lựa chọn đúng, thưa Đức Vua.”

“Ta tin là con sẽ lựa chọn đúng.”

Read 3089 times Last modified on Thứ ba, 07 Tháng 9 2021 19:23
Quang Harvest

Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương. [1 Cô-rinh-tô 13:13]

Comments powered by CComment

Chúng tôi đang phát hành nhiều Music Video nhạc mới trên

Liên Hệ

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin
Hy Vọng & Tình Yêu
www.quangharvest.com
Email: info@quangharvest.com

Nhận Bản Tin

Đăng ký để nhận thông tin cập nhật