Thứ tư, 19 Tháng 7 2017 16:53

Bí Mật Của Vua Solomon – 10. CHƯƠNG 6 “HÃY SỐNG DƯỚI MỨC BẠN KIẾM ĐƯỢC”

Written by
Rate this item
(1 Vote)

CHƯƠNG 6


“HÃY SỐNG DƯỚI MỨC BẠN KIẾM ĐƯỢC”


TÓM TẮT:
Hãy tìm và tạo ra tiền để đầu tư.


Từ hàng nghìn năm nay, mỗi năm có hàng nghìn người lâm vào cảnh đói nghèo thực sự vì họ cực kỳ lo lắng khi bị coi là nghèo khó.
WILLIAM CORBETT,

nhà soạn nhạc người Anh

Xin đừng bỏ qua chương này. Thậm chí tôi đã cân nhắc để đặt cho phần này thêm một tiêu đề nữa, ví dụ như “Tận hưởng cảm giác có thêm tiền trong ngân hàng” hoặc “Bạn chẳng có gì để chứng minh với bất kỳ ai,” hay bất cứ tiêu đề nào khác, để mong bạn đọc phần này của cuốn sách. Tuy nhiên, sự trung thực đã thắng thế và chúng ta đang vướng vào một thực tế đơn giản là, những người có số tiền trong ngân hàng lớn nhất thường là những người mà bạn chưa bao giờ nghĩ là giàu có. Một số người có thể gọi họ là kẻ hà tiện; nhưng tôi gọi họ là người khôn ngoan.
Bây giờ, nếu bạn nghĩ rằng đây sẽ là chương khó đọc nhất đối với bạn thì, tôi muốn cho bạn biết rằng, đó cũng là chương gây khó khăn nhất cho tôi khi viết nó. Bạn thấy đấy, tôi là một trong những người mà William Corbett1 đã nhắc tới, mặc dù tôi ra đời sau khi ông thốt ra những lời đó vài trăm năm. Tôi đã học hỏi rất nhiều về chủ đề này và tôi rất muốn bạn cũng học được. Vì vậy, tôi sẽ sử dụng một số lượng vừa phải các câu chuyện mang tính cá nhân. Tôi sẵn sàng chia sẻ nhiều lỗi lầm của tôi để giúp bạn tránh được những sai lầm mà tôi đã phạm phải, và cả những cái bẫy mà tôi đã rơi vào.
Tôi thường hỏi: “Làm thế nào để mình có thêm tiền trả hết nợ nần và đầu tư nhỉ?” Câu trả lời không phải luôn luôn dễ nghe: Chi tiêu ít hơn, không mua những thứ mà mình không thực sự cần, học cách sống dưới mức mình kiếm được.
Chúng ta hãy trung thực: đó là loại tư duy không có trong nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta là những người thích được “hài lòng ngay lập tức”. Chúng ta biết chúng ta muốn gì, chúng ta muốn nó như thế nào, và chúng ta muốn có nó ngay bây giờ. Thái độ này đã trở thành một dấu ấn của mọi thế hệ từ khi có sự bùng nổ dân số. Xin bạn hiểu cho rằng, tôi không rao giảng ở đây. Phần lớn thời gian trong đời, tôi đã là một thành viên có thẻ của cái câu lạc bộ “Tôi muốn có nó và tôi muốn có nó ngay bây giờ”. Ngành thẻ tín dụng đã tăng trưởng tới mức bùng nổ bởi vì rất nhiều người trong chúng ta có thái độ này.
Tuy nhiên, số những người đã trở nên giàu có nhờ tính tiết kiệm không thể đếm hết. Nhiều người ngạc nhiên khi biết một số người giàu có đã tằn tiện như thế nào.


VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP PHẢI LÀ LÚC KHỞI ĐẦU

Khi bạn còn trẻ và chỉ kiếm được 15.000 đôla một năm, có lẽ bạn đã tự tin rằng, khi bạn có một công việc tốt hơn, lương cao hơn, bạn sẽ có thể tiết kiệm được một số tiền. Cuối cùng, bạn đã có được công việc như thế. Nhưng bạn có tiết kiệm được nhiều hơn không? Không, bạn đã mua một chiếc xe chạy thật chắc chắn và hợp lý hóa việc mua đó bằng cách nói rằng, bạn không thể để mất công việc rất tốt này vì có một chiếc xe hay trục trặc. Điều đó thật dễ hiểu.

Bây giờ, bạn đang kiếm được 25.000 đôla mỗi năm và bởi vì các khoản chi cho chiếc xe và cho việc đi chơi với bạn bè - bạn có thể làm như thế vì bạn đã kiếm được nhiều tiền hơn rồi - nên bạn không còn gì để mà tiết kiệm. Không sao, bạn sẽ được thăng chức vào một lúc nào đó, trong tương lai gần. Cùng với nó là một khoản tăng lương và khoản đó, bạn tự nhủ mình, sẽ cho phép bạn bắt đầu tiết kiệm cho tương lai. Không thành vấn đề, bạn vẫn còn trẻ mà.
Bạn đã được thăng chức, vì đạo đức nghề nghiệp và sự cống hiến cho công việc của bạn. Xin chúc mừng! Ôi, bây giờ bạn đã kiếm được 40.000 đôla một năm. Khoản tăng lương khá lớn này chắc chắn sẽ cho phép bạn bắt đầu tiết kiệm tiền cho tương lai của bạn. Nhưng khi thu nhập của bạn bắt đầu tăng lên, bạn đã gặp người mà bạn mơ ước. Cô ấy thật hoàn hảo và hai bạn quyết định sẽ làm lễ thành hôn vào mùa hè năm sau.
Việc tán tỉnh cô ấy có thể hơi tốn kém, nhưng gã trai ơi, cũng đáng giá đấy. Bạn muốn chiêu đãi cô ấy ở những nhà hàng sang hơn, đi nghe hòa nhạc, và tặng cố ấy một số thứ khác đẹp hơn trong cuộc sống. Hai bạn làm việc chăm chỉ nên xứng đáng được tận hưởng những lần vui vẻ. Bạn nói: “Toàn công việc chứ có được chơi bời gì đâu...”
Bây giờ, bạn đã kết hôn. Bây giờ bạn đang mua căn nhà đầu tiên của bạn. Tất nhiên là ngôi nhà cần có đồ nội thất. Không lâu sau, bạn cần một chiếc xe khác để có thể đưa đón con cái.
Bạn có thấy chúng ta có thể đi xa tới đâu với câu chuyện này không? Chúng ta có thể dễ dàng đi qua mọi con đường, qua các thay đổi của cuộc sống cho đến khi nghỉ hưu. Tôi hiểu. Vì tôi đã như vậy. Tôi đã leo qua các tầng bậc thu nhập cho đến khi đạt đến mức khó tin, nhưng luôn luôn có một lý do chính đáng nào đó để tôi không tiết kiệm. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng, cùng với mỗi lần gia tăng thu nhập là một ngôi nhà đẹp hơn, xe hơi tốt hơn, các kỳ nghỉ xa hoa hơn, thành viên câu lạc bộ thể thao ngoài trời, quần áo mới, nhà hàng sang trọng hơn, trường tư thục, du lịch, và một nghìn ước muốn khác đều thèm khát túi tiền của bạn. Bạn cảm thấy bạn có khả năng chi trả, vậy tại sao lại không chi cơ chứ?

TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG TIẾT KIỆM?

Vấn đề không tiết kiệm được có hai phần chính. Phần thứ nhất, chỉ đơn giản là, khi chúng ta đã có tuổi và đã trải qua các giai đoạn trong cuộc sống bình thường, ngày càng có thêm nhiều thứ phải chi tiêu. Tất cả đều đúng, nhưng còn có một lực lượng khác, một lực lượng mạnh mẽ, khêu gợi, đầy hấp dẫn mời gọi chúng ta chi tiêu nhiều tiền hơn để đạt đến cấp độ hưởng thụ cao hơn.
Lực lượng này có tên: Đại lộ Madison. Nếu bạn chưa biết, thì đây là nơi có treo rất nhiều quảng cáo thương mại, được thiết kế để làm cho chúng ta chi tiêu nhiều hơn. Những người
ở đây cực kỳ thông minh. Họ hiểu biết rất rõ về hành vi của con người, và có thể đã từng dạy cho Sigmund Freud2 và Carl Jung3 một vài điều mới mẻ cũng nên. Tóm lại, họ biết điều gì khiến chúng ta mua những thứ mà chúng ta không cần, không muốn, không có khả năng chi trả, vả lại, lại quá đắt so với giá trị. Những người này là bậc thầy về phản ứng mang tính cảm xúc. Chúng ta hãy nói luôn rằng họ chơi để giành chiến thắng, và họ luôn giành chiến thắng.
Những nhà tiếp thị có một tài năng đáng kinh ngạc để “giúp đỡ” chúng ta nhận ra rằng chúng ta có thể hạnh phúc hơn rất nhiều nếu như chúng ta có cái nọ cái kia... Cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta sở hữu cái nọ cái kia... Mọi người sẽ thích chúng ta hơn nhiều nếu như... Chúng ta sẽ thành công hơn rất nhiều chỉ khi chúng ta làm... Bạn đã hình dung được chưa? Nếu bạn nghĩ rằng bạn luôn có thể tránh được những thông điệp tinh tế này và thường thì chúng không được tinh tế cho lắm, bạn có thể đã lừa gạt chính mình. Mỗi năm, hàng tỷ, hàng tỷ đôla được chi cho quảng cáo. Nếu nó không hiệu quả thì các nhà sản xuất các sản phẩm đã không chi số tiền này. Có nhiều người đang mua tất cả những thứ vớ vẩn này cơ mà.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, hiện nay một người tiêu dùng nhận được gần 3.000 thông điệp tiếp thị mỗi ngày. Ước tính thấp thì cũng có từ 850 đến 1.000 thông điệp mỗi ngày. Dù con số thực tế là bao nhiêu chăng nữa, chúng ta cũng đang bị tấn công dồn dập bằng những thông điệp về sản phẩm. Một số đến qua truyền hình, số khác qua đài phát thanh, Internet, e-mail, biển quảng cáo, thư trực tiếp, và nhiều phương tiện khác nữa. Không nghi ngờ gì, hình như nó giống như một phản xạ tự nhiên.

Phần thứ hai của vấn đề chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm được là thái độ của chúng ta đối với tiền bạc. Nhiều người tin rằng họ có thể mua được hạnh phúc. Nghe có vẻ ngớ ngẩn khi chúng ta nói như thế, hoặc tất cả chúng ta đều phủ nhận điều đó, nhưng những hành động của chúng ta lại nói lên điều ngược lại.

Người không hài lòng với những gì mình có cũng sẽ không hài lòng với những cái mà mình chưa có.
- SOCRATES, 

triết gia Hy Lạp


Tại sao chúng ta không ngừng bị lừa bởi sự gian dối này? Vì cuộc sống vất vả và chúng ta mong muốn được giống như những người luôn mỉm cười, khỏe mạnh, sung sức, xinh đẹp mà chúng ta nhìn thấy trong quảng cáo. Trông họ có vẻ là những người có cuộc sống hoàn hảo. Ai mà không muốn được như họ cơ chứ? Sao chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy một anh chàng mập ú, chán nản, mắt có bọng vì phải làm việc nhiều giờ dài, ngủ kém vì không ngừng phải lo lắng về tài chính trên những quảng cáo thương mại này nhỉ?
Thêm vào đó, chúng ta đúng hay sai khi tin rằng chúng ta xứng đáng được hưởng tất cả những điều tốt đẹp này? Chúng ta làm việc chăm chỉ và xứng đáng được thụ hưởng một cái gì đó. Tôi không thể đồng ý nữa, dù đã cố gắng. Khi còn là một anh chàng “giàu có”, tôi đã từng mua mọi thứ đắt tiền nhất mà tôi muốn, có thể là tivi, xe hơi, nhà cửa, thực phẩm, quần áo, đồ trang sức, đồ gỗ, v.v... Bạn có hình dung được không? Tôi đã bị giam cầm bởi những giả định ngu ngốc và sai lầm, rằng nếu cái gì càng đắt tiền thì nó càng có giá trị cao hơn. Tôi hình dung rằng, nhà sản xuất không thể vô trách nhiệm khi thu nhiều tiền hơn khi bán ra những mặt hàng có chất lượng cao hơn không đáng kể. Tôi thật ngốc nghếch.
Hãy để tôi kể với bạn một vài ví dụ của cá nhân tôi nhé.
Đó là những chiếc quần bò. Vâng, chỉ là một chiếc quần bò thôi. Tôi đã chi 85 đôla cho chiếc quần bò do hãng Nordstrom thiết kế. (Có một thời gian, tôi mua gần như tất cả mọi thứ của hãng Nordstrom để nhét vào tủ quần áo của mình. Rốt cục, chỉ vì họ đã bố trí một gã trai ngồi chơi piano ngay giữa cửa hàng.) Tôi mua hết chiếc nọ đến chiếc kia trong số đám quần bò đắt tiền ấy vì chúng chẳng bao giờ vừa khít với tôi, nên tôi lại mua chiếc khác, hy vọng rằng nó sẽ vừa hơn.
Khi đang viết đây, tôi vẫn đang mặc chiếc quần bò ưa thích nhất của tôi. Đây là chiếc thoải mái nhất, mặc nhiều nhất, vừa vặn nhất mà tôi đã từng sở hữu. Và nhân tiện, chiếc quần bò đó chỉ có giá tôi 8 đôla tại cửa hàng Wal-Mart.
Không có người chơi đàn piano, không có lối đi với mùi nước hoa thơm ngát, không có những em nhân viên bán hàng với móng tay móng chân được cắt tỉa hoàn hảo và ngọt ngào đến ghê người đi kèm, và không có ma-nơ-canh trông đẹp hơn bất cứ ai mà tôi đã từng gặp. Chỉ có chiếc quần bò tuyệt vời giá 8 đôla.
Bạn có muốn tôi kể thêm không? Tôi đã từng lái một chiếc Mercedes, một chiếc Lexus và những chiếc xe rất đắt tiền khác. Thật thú vị khi được lái chúng. Vấn đề là, tôi luôn luôn lo rằng có một người lái xe lầm lì nào đó, có lẽ ngồi trong một chiếc xe cũ kỹ giá rẻ, sẽ làm tổn hại chiếc xe bóng láng, hào nhoáng và cực kỳ đắt tiền của tôi. Tôi không bao giờ cảm thấy thư giãn khi tận hưởng chiếc xe của tôi. Ngoài ra, bất cứ khi nào tôi đưa xe vào bảo dưỡng, tôi cũng phải chi ra số tiền hàng trăm đô la.
Bây giờ, khi đã có sự khôn ngoan của một người già, tôi lái những chiếc xe đã tả tơi vì điều kiện đường xá ở quanh nơi tôi sống. Ở vùng đồi núi, chúng tôi thường gặp bão tuyết, tuyết bao phủ trên những tảng đá, cột điện và đủ thứ vật nằm chờ một ai đó lái xe qua. Kính chắn gió bị vỡ do có những vật liệu mà người ta đặt trên đường để giúp những chiếc xe khỏi bị trơn trượt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đi trên những địa hình hiểm trở, có thể dẫn bạn đến một số nơi lạ thường nhất mà bạn chưa từng thấy. Thật vui khi không cần quan tâm ai đang nhìn chiếc xe của bạn, không cần quan tâm đến các vết trầy xước, vết lồi lõm, và thậm chí không cần để ý gì cả. Bây giờ, khi đưa xe của mình vào bảo dưỡng, tôi ngồi cùng với những người thợ máy, vừa uống cà phê vừa nói chuyện về mùa trượt tuyết sắp tới. Đó là niềm vui thuần khiết.


CÁCH ĐƠN GIẢN ĐỂ TIẾT KIỆM TIỀN

Lại nói về chuyện ăn uống. Tôi đã từng năng đến những nhà hàng sang trọng nhất. Khi tôi bước vào một trong những nhà hàng này, ông chủ nhà hàng thường chào đón tôi, gọi tên tôi. Em tiếp viên yêu kiều, trông như người mẫu sẽ dẫn tôi và khách khứa của tôi đến một chỗ trông cực kỳ nổi bật. Sau khi xếp chỗ ngồi cho chúng tôi, cô ấy sẽ mở khăn ăn của chúng tôi ra, trông thật duyên dáng, và trải nhẹ lên lòng chúng tôi. Khi thức ăn được mang đến, bởi một đội ngũ phục vụ bàn đủ để có thể mở ra, tất cả các món ăn cùng một lúc, họ đồng thanh chúc chúng tôi “Ngon miệng” và sau đó đi ra. Tôi thấy nó chủ yếu ve vuốt cái tự ái của tôi mà thôi.
Hình như tất cả đều có vẻ hơi quá mức một chút, nhưng tôi phải thừa nhận rằng, được phục vụ như thế thật lịm người. Lịm người hay không, nó cũng chứng minh cho sự lãng phí tiền bạc. Sau đây là những gì tôi đã nhận ra: Bây giờ tôi sẽ no nê sau khi ăn món bánh thịt chiên giòn mà chỉ mất 5 đôla, khi trước tôi đã ăn món đó tại một nhà hàng sang trọng và đã phải chi đến 100 đôla. Một phát hiện lớn, phải không?
Hãy hiểu rằng, tôi không nói rằng bạn không nên tận hưởng cuộc sống, hoặc không nên chi tiền để có được những thứ có giá trị. Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta cần phải điều chỉnh tư duy của mình về cách thức chúng ta tiêu tiền và những tác động mà nó gây ra cho tương lai của chúng ta. Chỉ cần nhớ, đắt hơn không nhất thiết có nghĩa là tốt hơn.

Hãy để tôi cung cấp cho bạn một vài ví dụ lấy từ ngành tạp hóa.
Trước hết, hãy luôn luôn sử dụng thẻ mua sắm tiết kiệm. Tôi không thấy có loại thẻ nào thực sự phải tốn tiền để có được, nhưng bạn lại có thể tiết kiệm một số tiền đáng kể bằng cách sử dụng nó. Các cửa hàng tạp phẩm thường có các mặt hàng dán “nhãn đỏ” để tiết kiệm tiền cho người mua sắm. Cửa hàng đó đang cố gắng giúp bạn tiết kiệm. Nếu bạn không sử dụng thẻ này mỗi lần bạn mua sắm hàng tạp hóa thì bạn đang ném tiền vào thùng rác đấy. Đơn giản như vậy thôi.
Ngoài thẻ mua sắm tiết kiệm, hãy luôn để ý đến các chương trình giảm giá thường được thông báo trên các báo ở địa phương bạn. Người quản lý cửa hàng, người đã ân cần giúp tôi thu thập thông tin này, nói rằng nếu biết kết hợp phiếu giảm giá và thẻ mua sắm tiết kiệm của cửa hàng, khách hàng có thể tiết kiệm tới 80% so với giá niêm yết - 80% cơ đấy.
Người quản lý cửa hàng này cũng khuyến nghị rằng, một khách hàng bình thường nên tập trung vào các loại hàng hóa mang thương hiệu của cửa hàng chứ đứng quá tập trung vào các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Các sản phẩm mang thương hiệu của cửa hàng luôn luôn rẻ hơn, thường có chất lượng tương tự, và thậm chí nhiều lần được các công ty có tên tuổi sản xuất và đặt trong bao bì có thương hiệu của cửa hàng. Các quy tắc này rất đơn giản, và các cửa hàng sẽ giúp bạn tìm hiểu về chúng nếu bạn yêu cầu. Có thể là khó tin, nhưng số tiền bạn có thể tiết kiệm được là rất lớn.
Cuối cùng, tôi đã dành thời gian để nói chuyện với một người bạn, một dược sĩ có giấy phép hẳn hoi. Ông rất tốt bụng khi nói cho tôi biết về cả hai loại dược phẩm: thuốc hết hạn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và thuốc theo toa. Ông cho tôi biết rằng thuốc theo toa và thuốc hết hạn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đều được FDA4 quản lý và đặt ra các tiêu chuẩn. Thuốc hết hạn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng tốt như các loại thuốc gốc.

VUI MỘT TÍ


Tôi đã giàu và tôi đã nghèo. Nghèo thật chẳng ra sao.
- RUTHE FLEET,

một người mẹ

Nó ở trên kệ hàng có biển chỉ dẫn “thuốc không kê toa” mà tôi đã thực sự thích thú. Tôi đã để ý và thấy rằng, hầu hết các sản phẩm đều có loại mang nhãn hiệu của cửa hàng. Những gì tôi nhận ra là, đối với sản phẩm mang nhãn hiệu của cửa hàng, thành phần thực tế cũng đạt 99,9%, tương đương với sản phẩm mang thương hiệu công ty. Đôi khi, khi trên bao bì nhãn hiệu của cửa hàng nói “so với” sản phẩm thương hiệu cụ thể này hoặc sản phẩm thương hiệu cụ thể kia, các yêu cầu mà thương hiệu của cửa hàng phải đáp ứng gần như cũng như thế. Thậm chí, cửa hàng phải gửi đơn đăng ký lên FDA để sử dụng thông điệp “so với” trên nhãn sản phẩm của mình.
Chúng ta hãy xem xét một số cách tiết kiệm mà tôi thấy rất đơn giản bằng cách dạo quanh các giá để hàng một chút.
Thuốc giảm đau và kháng viêm Advil 200 mg, 50 viên, được bán với giá 8,49 đôla tại cửa hàng này. Ngay cạnh kệ hàng đó là thuốc Advil thương hiệu cửa hàng Safeway, 50 viên, 200 mg có giá 4,79 đôla. Tiết kiệm được khoảng 44%. Ngoài ra, tôi còn thấy trên nhãn Safeway có chữ USP, và tôi đã phải đặt dấu hỏi về ý nghĩa của chúng. Tôi cho rằng, chắc nó phải quan trọng, vì nó nổi bật trên mặt trước của nhãn hàng.
Tôi biết được rằng USP có nghĩa là sản phẩm này đáp ứng được Tiêu chuẩn công bố trên Dược điển Hoa Kỳ (United States Pharmacopeia standard). Những dòng sau đây được lấy trực tiếp từ trang web của USP: Dược điển Hoa Kỳ (USP) là một cơ quan của chính quyền chính thức thiết lập các tiêu chuẩn cho tất cả thuốc theo toa và thuốc không kê toa, và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác được sản xuất hoặc bán ra tại Hoa Kỳ. USP cũng đặt ra các tiêu chuẩn đã được công nhận rộng rãi cho các thực phẩm chức năng và phụ phẩm cho chế độ ăn kiêng. USP đặt ra các tiêu chuẩn về chất lượng, độ tinh khiết, nồng độ, và tính nhất quán của các sản phẩm này - rất quan trọng đối với sức khỏe của công chúng. Tiêu chuẩn của USP được công nhận và áp dụng ở 130 quốc gia trên thế giới. Những tiêu chuẩn này đã giúp đảm bảo sức khỏe của công chúng trên khắp thế giới trong gần 200 năm nay.
Điều này dường như có nghĩa là, các sản phẩm mang thương hiệu của cửa hàng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn tương tự như các sản phẩm mang thương hiệu khác.
Thậm chí, bạn có thể tìm thấy các chữ cái USP trên bao bì các sản phẩm vitamin và thảo dược. Bây giờ, khi đã biết ý nghĩa quan trọng của ba chữ cái này, tôi luôn luôn ưu ái một sản phẩm của cửa hàng nếu ba chữ cái đó xuất hiện trên nhãn hàng, và đồng thời tôi sẽ tiết kiệm được một số tiền đáng kể.

Đây là một ví dụ khác:
Nhiều người sử dụng sản phẩm glucosamine để chữa bệnh khớp. Tôi nhận thấy sản phẩm Schiff kêu gọi “Đi lại thoải mái với sức mạnh nhân ba của glucosamine và chondroitin”5. Giá cho lọ 80 viên, 1.500 mg, là 32,39 đôla. Trên kệ hàng ngay bên dưới là sản phẩm của hãng Safeway: glucosamine và chondroitin, 1.500 mg, lọ 80 viên, giá 11,98 đôla, và thế là bạn có thể có thêm một lọ thứ hai miễn phí. Các bạn ạ, thế là bạn tiết kiệm được 63%.
Bây giờ, tôi chẳng phải đang tìm cách hạ gục các sản phẩm có tên thương mại. Tôi cũng không cổ súy cho Safeway; chỉ đơn giản là, cửa hàng này là nơi tôi đã vào mua sắm một cách tình cờ. Nói như vậy, nghiên cứu đơn giản của tôi đối với việc định giá tại các cửa hàng tạp hóa chắc chắn đã thay đổi các thói quen cá nhân của tôi.
Cuối cùng, khi nhìn khắp cửa hàng, tôi thấy rằng hầu hết các sản phẩm, thậm chí là giấy vệ sinh đều có mặt hàng thay thế rẻ hơn nhiều. Tôi không biết mông đít của bạn ra sao, chứ đít tôi thì chẳng thấy có gì khác biệt cả.
Như bạn thấy, tôi sẽ không bao giờ đề nghị bạn nên từ bỏ việc mua sắm những thứ mà bạn cần mua, hoặc thậm chí cả những thứ mà bạn chỉ đơn giản là mong muốn. Điều tôi muốn bạn hiểu là bạn có thể tiết kiệm được một số tiền đáng kể bằng cách mua sắm thông minh. Với số tiền đó, bạn có thể giảm bớt nợ nần của mình, hoặc có thể đầu tư.

HÃY KIÊU HÃNH MÀ ĐI TRƯỚC KHI GỤC NGÃ


Tôi đã nghe người ta nói rằng, khi họ sử dụng phiếu giảm giá hoặc mua sắm tại các cửa hàng có chiết khấu như Wal-Mart, họ cảm thấy mọi người coi họ là người nghèo, hoặc thậm chí tệ hơn là rẻ tiền. Bạn cần phải vượt qua điều đó ngay từ bây giờ. Hầu hết những người giàu có sẽ coi bạn là thông minh bởi vì họ và bạn mua sắm theo cùng một cách. Người bán sản phẩm sẽ cười những người nghĩ rằng họ sẽ bị hạ thấp phẩm giá nếu thực hành mua sắm tiết kiệm, và họ vẫn còn cười trên suốt đoạn đường họ đi đến ngân hàng. Họ biết rằng, họ có thể đưa ra chương trình giảm giá tuyệt vời bởi vì có nhiều người sẽ không tận dụng lợi thế của số tiền tiết kiệm được, tất cả chỉ vì sĩ diện.
Đừng chỉ để ý đến câu chữ của tôi nhé. Nếu bạn cần thêm động lực để hành động theo cách tương tự như một người giàu có thực sự thì hãy đọc cuốn sách The Millionaire Next Door (Người hàng xóm triệu phú) của Thomas Stanley và William Danko. Sau đây là một vài suy nghĩ nảy ra từ cuốn sách đó: “Trái ngược với tiết kiệm là lãng phí. Chúng ta coi sự lãng phí là một lối sống được đánh dấu bởi các khoản chi tiêu xa hoa và tiêu dùng thái quá. Tiết kiệm là nền tảng để xây dựng nên sự giàu có.”
Các tác giả tiếp tục với ý nghĩ này: “Sự giàu có thường là kết quả của một lối sống làm việc chăm chỉ, kiên trì, có kế hoạch, và trên tất cả là kỷ luật tự giác. Họ trở thành triệu phú bằng cách lập kế hoạch ngân sách và kiểm soát các khoản chi tiêu, và họ duy trì tình trạng giàu có của họ cũng theo cách ấy.”

Cuối cùng, tôi cũng biết cái gì phân biệt con người với những loài vật khác: trăn trở về tài chính.
- JULES RENARD, 

nhà văn người Pháp

Bạn có hiểu luận điểm này không? Nếu bạn sẵn sàng xem xét lại những thói quen mua sắm của bạn, và loại bỏ cái sĩ diện của bạn, thì bạn đang thực hành theo các phương pháp của những người giàu có thực sự. Tuy nhiên, nhiều người lại đang bắt chước các hình mẫu của những người cố tỏ ra giàu có, trong khi họ giấu nhẹm những khó khăn về tài chính của họ.

Bạn nghĩ rằng, Solomon sẽ chọn nhóm nào để giao lưu? Hãy suy nghĩ về những lời ông nói, được viết trong sách Cách ngôn 13:07: “Một người giả vờ là giàu có nhưng chẳng có gì; người khác giả vờ là nghèo nhưng lại có tài sản rất lớn.”
Tôi cho rằng, người giả vờ giàu có thực chất còn có một cái để chứng minh những rắc rối của anh ta - đầy rẫy nợ nần!


KHI NÓI ĐẾN TIỀN BẠC, TIẾT KIỆM MANG LẠI HẠNH PHÚC LỚN HƠN

Tôi đã có đủ thời gian để hiểu rằng tiêu tiền không dẫn đến hạnh phúc, nhưng có một số tiền “không tiêu đến” đáng kể trong ngân hàng thường dẫn đến hạnh phúc viên mãn.
Tôi đã thấy rằng những người đang sẵn sàng giải phóng mình khỏi sự thao túng giá cả và khỏi hệ thống Đại lộ Madison thường có xu hướng hài lòng hơn.
Tôi có thể kể cho bạn biết, vợ chồng tôi hạnh phúc hơn rất nhiều kể từ khi chúng tôi tránh khỏi sa vào cái guồng quay. Cuộc sống dễ dàng hơn, thú vị hơn, và chắc chắn ít căng thẳng hơn. Bạn bè phải chân chính, chứ không phải chỉ đàn đúm thích tiêu tiền của ta.
Và tất nhiên, chúng ta phải đặt câu hỏi: chúng ta đang dạy con em mình những gì khi chính chúng ta đang chi tiêu một cách lãng phí.
Sau đây là một số câu danh ngôn về chủ đề này mà tôi rất thích. Tôi hy vọng chúng sẽ truyền cảm hứng cho bạn.


Những nhà triệu phú hiếm khi mỉm cười.
- ANDREW CARNEGIE,
nhà công nghiệp và nhà từ thiện người Mỹ


Tôi hạnh phúc hơn khi được làm công việc của một người thợ máy.
- HENRY FORD,
nhà công nghiệp Mỹ


Tôi đã làm ra hàng triệu đôla, nhưng chúng đã khiến tôi không hạnh phúc.
- JOHN D. ROCKEFELLER SR.,
nhà công nghiệp và nhà từ thiện người Mỹ


Vì vậy, hãy áp dụng những ý tưởng này vào thực tế. Hãy học theo sự khôn ngoan của người giàu nhất thế gian nhé. Hãy chấm dứt việc chi tiêu ngu ngốc, và bắt đầu tiết kiệm và đầu tư.


Hãy tự hỏi mình

1. Mình có tiêu pha nhiều hơn số tiền mình nên tiêu vì những thứ mình không thực sự cần đến hay không?
2. Mình có đang tiêu pha trên mức mình kiếm được thay vì tiêu pha dưới mức đó không?
3. Năm nay mình có nợ nhiều món nợ không cần thiết so với năm ngoái không?
4. Những thay đổi nhỏ cũng tạo nên sự khác biệt, vậy mình có thể tiêu ít tiền hơn ở đâu?
5. Mình có cho phép quảng cáo và tiếp thị móc túi mình không?


Những việc cần làm một cách khôn ngoan


1. Hãy khảo sát thói quen chi tiêu của bạn. Bạn không buộc phải sống như một tu sĩ, nhưng không cần vứt tiền qua cửa sổ.
2. Hãy cam kết chi tiêu ít hơn cho những thứ phù phiếm và sử dụng số tiền đó để thúc đẩy cuộc sống của bạn tiến lên phía trước.
3. Đừng nghiện tiêu tiền. Có rất nhiều thứ trong cuộc sống mang lại hạnh phúc, và nhiều thứ trong số đó là miễn phí.


LỜI KHUYÊN CỦA NGƯỜI XƯA

CÁCH NGÔN 13:7 - Một người giả vờ giàu có nhưng chẳng có thứ gì; còn người khác giả vờ nghèo nhưng lại có rất nhiều tài sản.
CÁCH NGÔN 11:28 - Ai tin vào tiền bạc thì sẽ bị ngã (từ trên cây xuống), còn người lương thiện sẽ lớn nhanh như chiếc lá còn xanh.

VII. CHUYẾN THĂM CỦA NHÀ VUA

Lưng Abidan bị đau như giần. Cổ tay của cậu còn đau hơn. Chuyển động lặp đi lặp lại của việc kéo chiếc cần khoan qua lại và tạo lực ép lên chiếc mũi khoan nhọn đã làm cho cậu phải đau như vậy. Mồ hôi nhỏ giọt từ trán của cậu và rơi vào đoạn cong của tấm gỗ được dự định làm một bộ phận của một chiếc bánh xe có nan hoa. Còn khó khăn hơn khi phải đối mặt với sự thật là, cậu còn bốn chỗ trên tấm gỗ phải khoan lỗ cho các nan hoa. Cha cậu đang cúi gập người trên chiếc ghế thô ráp, đang bào và cắt các mảnh gỗ để chúng có thể khớp lại với nhau.
Không khí ngột ngạt và bụi bặm trong cái xưởng nhỏ khiến cho mọi việc tồi tệ hơn, nhưng Abidan chẳng dám phàn nàn. Đó là cuộc sống của cậu. Cha cậu là một thợ mộc, và ông nội cậu cũng là thợ mộc. Cuộc sống của cậu chỉ quanh quẩn với gỗ và công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, làm việc trong cái xưởng này còn tốt hơn so với việc họ đã làm tuần trước. Trong ba ngày, cậu cùng cha mình phải đặt xong những chiếc dầm lớn lên bức tường đá của một căn nhà mới. Làm việc bên ngoài thường thú vị hơn, nhưng khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, nó làm cho cậu kiệt sức. Cậu cũng không biết cha cậu còn có thể tiếp tục làm việc được nữa hay không.
Cậu hít một hơi thật sâu và thổi vỏ bào ra khỏi cái lỗ mới khoan, sau đó cậu nhận ra âm thanh của những đôi dép cọ trên phiến đá ở cửa ra vào - như thể có vài người đã đến. Còn quá sớm, chưa đến giờ ăn trưa. Mẹ cậu sẽ không mang thức ăn đến vào giờ này.
Abidan quay lại, vẫn giữ dụng cụ trong tay.
Vua Solomon đang đứng ở cửa.
“Đức Vua,” cha Abidan nói và khẽ cúi đầu.
Solomon cười, bước vào cái xưởng lộn xộn và ôm lấy người bạn của mình. “Đã quá lâu rồi không gặp, Zerah nhỉ.”
Zerah cũng ôm nhà vua: “Vâng, thưa Đức Vua. Ngày tháng trôi đi nhanh thật.”
Abidan rùng mình. Nhà vua đang đứng trong cái xưởng khiêm nhường nhà cậu, một cái xưởng tuềnh toàng xây bằng đá tảng và bùn, mái nhà lại bị dột. Tất cả những người thợ mộc đều như vậy, họ đã sử dụng những ngày tháng của mình để làm việc cho người khác, chẳng còn mấy thời gian để chăm sóc cho ngôi nhà và công việc của riêng mình.
“Abidan!” Solomon gọi. Giọng ông vang trong không gian.
“Đức Vua.” Abidan đặt dụng cụ xuống và bước về phía nhà vua. “Con không biết là Người đến đây.” Cậu cảm thấy bối rối bởi quần áo của mình bẩn thỉu và dính đầy mồ hôi.
“Con đã đến cung điện nhiều lần, ta nghĩ rằng ta phải đến nhà con. Vả lại, đã lâu ta không gặp cha con. Ta e rằng ta đã cư xử không phải và đã quên người bạn cũ của mình.”
“Không đâu, thưa Đức Vua,” Zerah nói. “Người đã làm nhiều hơn cho thần, nhiều hơn so với một người như thần có quyền yêu cầu. Việc Người dạy bảo Abidan có hiệu quả rất đáng kể ạ. Suốt mấy tuần vừa qua, nó cứ khăng khăng đòi thức dậy trước thần và đến xưởng mộc ngay
từ sáng sớm. Nó cũng ở lại rất muộn, rất lâu sau khi những người khác ở khu này đã nghỉ làm.”
“Có phải vậy không, Abidan?”
“Vâng, thưa Đức Vua. Con đang cố gắng siêng năng như Người đã dạy ạ.”
Nhà vua gật đầu, nhưng Abidan phát hiện thấy nhà vua có vẻ hơi buồn. Solomon quay sang Zerah. “Ta đã mang thức ăn và nước uống để cùng ăn một bữa cơm với gia đình ông đấy.”
“Người tốt bụng quá ạ, thưa Đức Vua.”
Solomon mỉm cười: “Ta cũng mang đủ cho hàng xóm của ông nữa. Ông có thời gian để ăn chung với chúng ta không?”
“Tất nhiên là có ạ, thưa Đức Vua.” Nụ cười của Zerah gần như rộng đến tận mang tai. “Người đã cho ngôi nhà và gia đình của thần vinh dự này.”
“Niềm vui này là của ta, ông bạn ạ. Ông hãy chỉ đường cho quan hầu cận của ta tới nhà ông đi! Họ sẽ lo tất cả mọi việc.”
“Vâng, thưa Đức Vua.” Sau đó, Zerah bước ra ngoài cửa.
“Còn con, Abidan, con sẽ tham gia cùng chúng ta chứ?”
Abidan bối rối. “Công việc của con chưa xong, thưa Đức Vua.”
“Ta biết.” Ông thở dài. “Ta có một bài học nữa cho con, Abidan ạ. Ta thấy rằng, ta đã đến đúng lúc sớm.”
“Con không hiểu.”
Solomon dọn mấy cái dụng cụ ra khỏi chiếc ghế thấp và ngồi xuống đó.
“Để con lấy ghế cho Đức Vua....”
“Không. Ta ổn mà.”
Mặt Abidan nóng bừng.
Solomon cười to. “Điều gì làm con lúng túng thế, Abidan?”
“Bụi bẩn trong xưởng nhà con, thưa Đức Vua. Người xứng đáng ở nơi tốt hơn nhiều ạ. Nếu biết Người đến, con đã có thể thu dọn.”
“Abidan, đừng bao giờ cảm thấy xấu hổ về công việc của con hoặc nơi con làm công việc đó. Cái xưởng mộc này không xúc phạm ta đâu. Ta ngưỡng mộ công việc con đang làm ở đây.”
“Cảm ơn... cảm ơn Người, thưa Đức Vua.”
“Ta đã gây tổn hại cho con, con trai ạ.”
“Sao cơ? Ồ không, thưa Đức Vua. Người đã chia sẻ sự khôn ngoan của Người cho con. Vì thế, con đã là một người tốt hơn.”
“Sự khôn ngoan đến dần dần thôi. Có đúng là con làm việc lâu hơn cha của con không?”
“Đúng ạ. Con đã khuyến khích cha con giao cho con nhiều việc hơn nữa.”
Solomon gật đầu. “Hãy nghĩ về câu châm ngôn sau đây nhé: ‘Đừng quá bạo lực để làm giàu; hãy khôn ngoan để biết dừng đúng lúc.’” [Cách ngôn 23:04].
Abidan không phải giải mã ý nghĩa nữa. Trong tất cả những câu cách ngôn mà Solomon đã chia sẻ với cậu, câu này là rõ ràng nhất và có sức thuyết phục nhất. Tuy nhiên, cậu vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần câu cách ngôn này.
“Vẻ mặt của con đang nói cho ta biết con hiểu được ý nghĩa của nó,” Solomon nói.
“Con hiểu, thưa Đức Vua.”
“Hãy nói cho ta biết chân lý của nó nào.”
Abidan hít một hơi thật sâu. “Nó có nghĩa là, thật không khôn ngoan khi theo đuổi sự giàu có ạ.”
“Không, con trai ơi. Con sai rồi. Theo đuổi sự giàu sang không có gì sai.”
“Vậy ư, thưa Đức Vua?”
“Con nói cho ta biết đi, Abidan.”
Abidan phủi mạt cưa khỏi cánh tay của mình và nói to phần cuối của câu cách ngôn: “... Khôn ngoan để biết điểm dừng đúng lúc. Điểm dừng. Sự khôn ngoan khi biết điểm dừng.” Cậu lắc đầu, và sau đó một ý tưởng bật ra. “Có một sự cân bằng giữa phấn đấu để trở nên giàu có và biết dừng.”
Solomon mỉm cười: “Thế là thế nào?”
Abidan chau mày. “Nó không có ý nghĩa với con, thưa Đức Vua. Tại sao một người lại biết điểm dừng khi theo đuổi sự giàu sang ạ?”
“Để sống, Abidan ạ. Để sống.”
“Để sống?”
“Để được giàu sang là khôn ngoan, để trả giá cho sự giàu có và hạnh phúc là điên rồ.” Solomon đứng lên và bắt đầu cất bước. “Tất cả mọi thứ đều có một cái giá, Abidan ạ, có phải không nào? Để đến xưởng của cha con sớm hơn, con phải trả cái giá là ít được ngủ. Ta thấy con và cha con đang làm những chiếc bánh xe.”
“Vâng,” Abidan nói với niềm tự hào. “Con và cha con phải làm vài chiếc nữa ạ. Đây là số lượng bánh xe lớn nhất mà nhà con làm cho một khách hàng. Chính con tìm được khách hàng.”
“Con sẽ được khen ngợi, Abidan ạ. Mọi chuyện đã thay đổi phải không?”
“Vâng ạ. Số tiền này sẽ giúp gia đình con, và xây dựng nên doanh nghiệp của nhà con.”
“Mẹ con có thích những chiếc bánh xe này không?”
Câu hỏi này khiến Abidan phải chăm chú. “Không ạ, thưa Đức Vua.”
“Bà ấy có yêu con không?”
“Có ạ.”
“Bà ấy sẽ đổi con để có được những chiếc bánh xe này sao?”
Abidan ngồi thẳng người lên. “Tất nhiên là không, thưa Đức Vua.”
“Thế thì, đừng bán đổi bà ấy để có thể giàu có nhanh chóng nhé.”
Những lời này khiến Abidan đau nhói. “Con không phải...”
“Không phải cái gì, Abidan?”
Abidan cúi đầu xuống.
“Khi ta còn trẻ, Abidan ạ, ta đã từng thiếu kiên nhẫn khi đi du lịch. Ta luôn muốn đến đích. Ta phải mất một thời gian mới biết được hành trình thường thú vị hơn đích đến. Con có hiểu không?”
Abidan gật đầu. “Con phải học cách tận hưởng cuộc hành trình mà không chỉ nghĩ về đích đến.”
“Chính xác, Abidan. Làm việc chăm chỉ. Làm giàu, nhưng hãy tận hưởng những gì xung quanh con. Hãy tận hưởng gia đình của con. Những ngày đã qua không bao giờ có thể lấy lại được đâu. Hãy xây dựng doanh nghiệp của cha con, và khi nó trở thành doanh nghiệp của con, hãy xây dựng nó lớn hơn nữa, nhưng phải biết khi nào thì nên có điểm dừng. Hãy tận hưởng ngày đó. Tận hưởng công việc. Tận hưởng cuộc hành trình. Mãn nguyện ngày hôm nay, nhưng phải suy nghĩ về tương lai.”
“Vâng, thưa Đức Vua.”
“Bây giờ, ta sẽ hỏi lại. Con sẽ tham gia bữa cơm với chúng ta chứ?”
Abidan liếc nhìn dụng cụ của mình và nhìn vào tấm gỗ cậu đang làm dở. Hãy để việc này đến ngày mai, cậu quyết định. Công việc tốt nhất mà cậu có thể làm bây giờ là dành thời gian với nhà vua của cậu, với gia đình cậu và hàng xóm của cậu nữa. “Có ạ, thưa Đức Vua. Con sẽ dùng cơm với Người ạ.”
“Tốt. Có lẽ ta sẽ kể với con những câu chuyện về cha của ta.”
Abidan cười thành tiếng: “Con có một câu hỏi, thưa Đức Vua.”
“Hãy hỏi đi.”
“Có đúng là Người có một nghìn vợ và thê thiếp không ạ?”
“Đúng thế. Hầu hết đều là các cuộc hôn nhân mang tính chính trị.”
“Sẽ ra sao nếu có nhiều vợ như thế ạ?”
“Ồ, Abidan, con không muốn biết đâu.”

Read 3058 times Last modified on Thứ ba, 07 Tháng 9 2021 19:23
Quang Harvest

Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương. [1 Cô-rinh-tô 13:13]

Comments powered by CComment

Chúng tôi đang phát hành nhiều Music Video nhạc mới trên

Liên Hệ

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin
Hy Vọng & Tình Yêu
www.quangharvest.com
Email: info@quangharvest.com

Nhận Bản Tin

Đăng ký để nhận thông tin cập nhật